Việt Nam tham vấn đối tác phát triển để vượt qua thách thức đổi mới thể chế, hội nhập
Sáng nay (5/12), Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014) với chủ đề Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” đã khai mạc với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, VDPF 2014 là lần thứ 2 diễn đàn này diễn ra sau khi chuyển đổi từ Hội nghị các nhà tài trợ (CG) sang Diễn đàn các đối tác phát triển. Việc Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình là nhờ có sự hỗ trợ to lớn từ các đối tác phát triển.
Đánh giá lại những gì đã thực hiện sau VDPF 2013, Bộ trưởng Vinh cho biết, trong 22 hành động chính sách đã xây dựng, bao gồm 81 hoạt động thành phần, Việt Nam đã hoàn thành 18 hoạt động, 57 hoạt động đang tiếp tục triển khai, 6 hoạt động đang nghiên cứu triển khai...
Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đánh giá, Việt Nam cần phải vạch ra đường đi của mình, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng hơn thiệt của từng cách tiếp cận, tập trung vào cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cải cách luật và chính sách.
WB khuyến nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam cần xem lại vai trò của kinh tế nhà nước. Việt Nam đã dựa vào doanh nghiệp nhà nước để quản lý kinh tế vĩ mô và dành cho doanh nghiệp nhà nước vai trò dẫn đường trong quá trình công nghiệp hóa. Có nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận này không mang lại hiệu quả. Công tác chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020 và văn kiện Đại hội Đảng 2016 nên tập trung các cuộc tranh luận vào vấn đề này. Cần một sự chuyển hướng mạnh thì mới có thể đổi mới thành công lần này, lãnh đạo WB nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Kwakwa khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái minh bạch hơn, đảm bảo tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước, cần quan tâm nhiều hơn tới khu vực kinh tế tư nhân, ... Đồng thời, cải cách doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục là vấn đề quan trọng và cần phải chú trọng vào chất lượng cổ phần hóa thay vì số lượng, tránh ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chủ đề lần này của VDPF rất phù hợp với trọng tâm chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam. Năm 2014, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với nỗ lực của mình và hỗ trợ từ bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên các lĩnh vực cả về kinh tế, phát triển, chính trị, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, cải thiện môi trường kinh doanh...
Năm 2015, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 6 mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có tập trung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện hiệu quả các hiệp định Việt Nam tham gia; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế; đảm bảo tiến hộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và cuối cùng là tập trung giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Nguồn DVO