Ảnh: thespoon.tech

 
Ngọc Thủy Thứ Tư | 18/08/2021 14:00

Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm nhân tạo

Vĩnh Hoàn vừa đầu tư vào startup chuyên về sản xuất thực phẩm nhân tạo. Liệu đã đến thời thực phẩm nhân tạo?

Tiềm năng nhưng không rẻ

Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành xuất khẩu cá basa ở Việt Nam, vừa cùng một số nhà đầu tư như Woowa Brothers Asia Holdings, CJ CheilJedang… tham gia rót vốn vào Shiok Meats (Singapore), công ty đầu tiên ở Đông Nam Á chuyên sản xuất thịt và hải sản dựa trên tế bào. Số tiền đầu tư không được tiết lộ nhưng theo Vĩnh Hoàn, tổng trị giá đầu tư ở vòng series B là gần 18 triệu USD. Tính cả những lần huy động vốn trước, Shiok Meats đã kêu gọi thành công 30 triệu USD.

Ông Sandhya Sriram, người đứng đầu Shiok Meats, cho biết, số tiền này sẽ được sử dụng vào R&D cũng như xây dựng cơ sở sản xuất ở Singapore. Theo kế hoạch, chậm nhất đến năm 2023, Shiok Meats sẽ ra mắt sản phẩm tôm thịt nhân tạo đầu tiên ở Singapore, một quốc gia có thái độ cởi mở hơn đối với loại thịt thay thế này.  

Ảnh: blogto.com
Ảnh: blogto.com

Thực phẩm nhân tạo là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Lâu nay thực phẩm nhân tạo vẫn chủ yếu có nguồn gốc thực vật, không hoàn toàn giống với thịt thật. Chỉ đến khi một số hãng như Eat Just (Mỹ)  tạo ra thịt ống nghiệm thì mới đạt bước tiến đáng kể. Nhưng đến nay, thịt nhân tạo vẫn chưa rẻ. Một bữa ăn thịt gà nhân tạo tại nhà hàng Singapore đang có giá khoảng 17 USD.

Dù vậy, Future Meat Technologies (Israel) cho biết, họ đã có thể cắt giảm chi phí sản xuất thịt nuôi cấy xuống còn 7,5 USD/ức gà. Còn CE Delft (Hà Lan) căn cứ trên dữ liệu của 15 công ty sản xuất thịt ống nghiệm đã khẳng định, nếu mở rộng sản xuất ồ ạt, giá thịt nhuyễn trong ống nghiệm đến năm 2030 có thể giảm còn 5,5 USD/kg, tương đương giá thịt thông thường ở Anh. 

 

Rõ ràng, dù “thịt nhân tạo đòi hỏi nhiều vốn bỏ ra trước và không dành cho người yếu tim”, như ông Josh Tetrick, Giám đốc Điều hành Eat Just, từng lưu ý nhưng đây lại là sân chơi hấp dẫn. Theo Good Food Institute, ở Mỹ các sản phẩm thay thế thịt động vật đang thu hút gần 3,7 tỉ USD năm 2020, cao gấp 3 lần so với năm trước đó. Còn tại châu Âu, các công ty thịt chay, thịt nhân tạo và nuôi cấy vi sinh vật được rót khoảng 522 triệu USD vào năm 2020, gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Mặt khác, theo FAO, khi thế giới chạm đến ngưỡng 9,7 tỉ người vào năm 2050, việc vẫn dùng phương thức chăn nuôi hiện tại để cung cấp đủ thịt cho toàn cầu (dự kiến đạt 470 triệu tấn/năm) sẽ đẩy thế giới vào chỗ gia tăng phá rừng lên gấp đôi và khiến lượng khí thải nhà kính tăng thêm 77%. Vì thế, bài toán tạo ra thịt nhân tạo không chỉ để giải quyết cấp bách nhu cầu thực phẩm toàn cầu mà còn bảo vệ môi trường, tài nguyên. Theo dự báo của AT Kearney, đến năm 2040, khoảng 35% lượng thịt tiêu thụ từ nuôi cấy tế bào và 25% đến từ các sản phẩm gốc thực vật.

 

Hơn nữa, người đứng đầu Shiok Meats khẳng định, thịt nuôi cấy từ phòng thí nghiệm sạch, không chứa thuốc kháng sinh, kim loại nặng, vi nhựa và đặc biệt không giết mổ động vật nên có tính bền vững và nhân văn. 

Bước thăm dò cho dài hạn

Dù vậy, hiện các nước vẫn chưa hết hoài nghi về giá trị dinh dưỡng và tính an toàn của sản phẩm này. Đầu năm nay, trang tin EU-Startups đã trích dẫn một nghiên cứu cho thấy, 43% người tham gia khảo sát khẳng định vẫn sẽ sử dụng thực phẩm gốc động vật, kể cả khi thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm có giá ngang bằng, vì lo ngại thịt nuôi cấy “không tự nhiên” và có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Một khó khăn khác cho người tham gia lĩnh vực này là nền nông nghiệp chăn nuôi đã tồn tại bao đời nay, nên việc phá vỡ sự thống trị của nó rất khó khăn. Do đó, ông Josh Tetrick cho rằng, để thịt nhân tạo trở nên phổ biến, điều quan trọng là các bên tham gia phải phê duyệt quy định, gia tăng quy mô và giáo dục thay đổi hành vi người dùng.

Theo AT Kearney, những khó khăn kể trên sẽ không thể là rào cản cho ngành thịt nhân tạo. Các cuộc khảo sát tại Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều chỉ ra, thịt ống nghiệm sẽ giành chiến thắng về dài hạn. Nhưng AT Kearney cho rằng trong quá trình chuyển đổi từ thịt bình thường sang thịt ống nghiệm, thịt gốc thực vật với giá thấp hơn sẽ đóng vai trò quan trọng.

Tại Việt Nam, việc Vĩnh Hoàn đầu tư vào Shiok Meats và trước đó là Avant Meats (Hồng Kông) được xem là động thái lấn sân vào địa hạt thịt nhân tạo. Avant Meats dự kiến ra mắt thị trường sản phẩm đạm cá vào cuối năm nay. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Vĩnh Hoàn, tin rằng, Avant sẽ là cơ hội tốt để Vĩnh Hoàn đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới.

Vĩnh Hoàn chưa chia sẻ thêm về các kế hoạch chi tiết ở Avant và Shiok Meats nhưng kỳ vọng vào tương lai của ngành thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Một chuyên viên phân tích ở TP.HCM nhận định, đầu tư vào ngành công nghệ mới là bước đi mạo hiểm nhưng không quá rủi ro cho Vĩnh Hoàn.

Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) ước tính thị trường thịt nhân tạo có thể đạt con số 100 tỉ USD trong vòng 15 năm tới, còn Ngân hàng Barclays (Anh) nhận định sản phẩm này có thể chiếm khoảng 10% thị trường thịt toàn cầu trong 10 năm tới. 

Cơ hội trong ngành thịt nhân tạo hiện không chỉ mở ra với Vĩnh Hoàn mà còn hứa hẹn với nhiều doanh nghiệp khác khi Quỹ Big Idea Ventures (Singapore) dự định dành 50 triệu USD để phát triển các loại đạm thay thế. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường mà quỹ này muốn đặt chân vào cuối năm nay.