Việt Nam tăng xuất, giảm nhập từ Trung Quốc
Riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 1,1%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 3,473 tỷ USD, tăng 15,7% so với tháng 6/2013.
Đáng chú ý, so với tháng 5, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 6 giảm 1,7%, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 6 cũng giảm 13,5%.
Dẫu vậy, diễn biến trong tháng 6/2014 chưa thể kết luận là do ảnh hưởng của yếu tố chính trị do cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tháng 6/2013 đã giảm đến 16,8% so với tháng 5/2013.
Việt Nam xuất gì sang Trung Quốc
6 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của các nhóm mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử, dầu thô, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, xơ sợi dệt các loại, vv…
Dẫn đầu nhóm sản phẩm xuất khẩu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt trên 925,8 triệu USD, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu, tiếp đến là dầu thô với trên 766,4 triệu USD, chiếm 10%, gạo với trên 576,4 triệu USD, chiếm 8%.
Việt Nam nhập gì từ Trung Quốc
6 tháng đầu năm, dẫn đầu nhóm sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 18% giá trị nhập khẩu, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện với hơn 2,81 tỷ USD, chiếm 14%, vải các loại 2,25 tỷ USD chiếm 12% và sắt thép các loại 1,489 tỷ USD chiếm 10%.
Hiện nay có một số ý kiến nghiên cứu lo ngại về khả năng gây khó dễ về kinh tế với Việt Nam. Tuy nhiên, việc này không dễ diễn ra. Vietnamnet dẫn lời TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương rằng Trung Quốc không dễ gây hấn ồ ạt về kinh tế đối với Việt Nam với 4 lý do chính.
Thứ nhất, quan hệ thương mại Trung Quốc-Việt Nam không chỉ là quan hệ giữa 2 nước mà quan hệ đa quốc gia khi 60% hàng hoá linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu Trung Quốc xuất sang Việt Nam chính là của các tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam từ chục năm nay.
Thứ hai, xét về tổng thể lợi ích, vài chục tỷ USD mỗi năm mà Trung Quốc xuất sang Việt Nam nếu so với cả nền kinh tế ở Trung Quốc là nhỏ, nhưng lợi nhuận mang lại từ đây cũng phải vài tỷ USD. Nếu Trung Quốc dừng một ngành hàng xuất sang Việt Nam thì cũng sẽ ảnh hưởng không chỉ tới lợi nhuận mà còn tới hàng trăm nghìn lao động nước này.
Thứ ba, Việt Nam, thành viên của WTO, đã và đang tham gia nhiều hiệp định cam kết song phương, đa phương như các FTA, ASEAN + Trung Quốc, tới đây là TPP. Nếu Trung Quốc động chạm tới Việt Nam thì sẽ là động chạm lợi ích kinh tế của nhiều bên. Trong đó, có cả Trung Quốc và những cường quốc lớn khác.
Cuối cùng nếu Trung Quốc gây hấn về kinh tế với Việt Nam thì hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới sẽ xấu đi và càng khiến thế giới lo ngại. Những lo ngại ấy nếu chuyển thành thiệt hại kinh tế thì sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Trung Quốc.
Tuy vậy, đã đến lúc Việt Nam cần phải tìm cách thức tự chủ trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay. Các doanh nghiệp trong nước cần tìm ra được những sản phẩm khác biệt để phát triển, biến mình trở thành một mắt xích không thể bỏ qua trong quan hệ giao thương toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần chủ động tìm thị trường xuất khẩu mới, tìm nguồn nguyên vật liệu, phụ liệu từ các thị trường mới (có thể) để nhập khẩu thay thế, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.