Việt Nam tăng 12 bậc khả năng cạnh tranh toàn cầu
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2015-2016 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 29/9 cho thấy, GCI của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 nền kinh tế được WEF khảo sát năm nay.
So với mức 4,23 điểm và vị trí 68 trong số 144 nền kinh tế khảo sát kỳ 2014-2015, Việt Nam đã tăng 12 bậc.
Hà Lan và Ấn Độ tăng khá mạnh, trong khi đó Brazil tụt giảm, còn Mỹ giữ nguyên vị trí nhưng đạt nhiều điểm tốt hơn.
Theo báo cáo này, nền kinh tế Thụy Sĩ đã duy trì khá vững chắc vị trí số 1 với mức 5,76 điểm sau khi bị cảnh bảo nguy cơ bị mất vị trí quán quân trong lần xếp hạng cùng kỳ năm trước.
Singapore tiếp tục đứng ở vị trí số 2. Đây là kỳ thứ 3 liên tiếp cả Thụy Sỹ và Singapore nằm ở tốp 3.
Nền kinh lớn nhất thế giới - Mỹ đứng vững ở vị trí số 3 sau khi tăng 2 bậc trong kỳ xếp hạng trước.
Hà Lan tăng khá mạnh từ vị trí số 8 lên vị trí 5; Đức từ 5 lên 4. Nhật và Hồng Kong không thay đổi ở vị trí 6 và 7.
Trung Quốc đứng nguyên ở vị trí 28, còn Saudi Arabia giảm từ 24 xuống 25.
Tại khu vực Đông Nam Á, dù đối mặt với khủng hoảng đồng ringgit mất giá, Malaysia vẫn tăng 2 bậc lên vị trí 18. Thái Lan giảm 1 bậc xuống 32. Indonesia giảm 3 bậc xuống 37. Trong khi Philippines tăng 5 bậc lên 47.
Như vậy, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Nhật vẫn phục hồi khá vững chắc sau khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ phục hồi của các nền kinh tế lớn cũng như thế giới nói chung khá chậm. Việc phục hồi của đa số các nước nhờ vào các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
WEF, diễn đàn được biết đến nhiều nhất với hội nghị kinh tế thường niên tại Davos, cũng tiếp tục cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là sau những bất ổn tại Trung Quốc vừa qua.
Top 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới theo bảng xếp hạng của WEF: 1. Thụy Sỹ, 2. Singapore, 3. Mỹ, 4. Đức, 5. Hà Lan, 6. Nhật Bản, 7. Hồng Kông, 8. Phần Lan, 9. Thụy Điển, 10. Anh.
Nguồn Vietnamnet