Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của thế giới
“Trong bối cảnh hiện nay, lợi thế của Việt Nam chính là nhân tố con người với hơn 90 triệu dân đang ở độ tuổi trung bình là 27. Với cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ người biết đọc, biết viết lên đến 94%, trong đó có khoảng 80% dân số học hết trung học cơ sở; chi phí nhân công của Việt Nam chỉ bằng 50% so với Trung Quốc, Thái Lan chính là những lợi thế của Việt Nam”, TS. Patrick Dixon, người được biết đến như “bộ óc” quản trị có sức ảnh hưởng hàng đầu thế giới hiện nay chứng minh những lợi thế của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế.
Theo TS. Patrick Dixon, trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam bình quân đạt 7%/năm, chỉ đứng sau Trung Quốc (đạt tốc độ tăng trưởng GDP 9,9%/năm) và là “niềm mơ ước” của nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ. Đạt được thành tích này chính là do Việt Nam đã biết tận dụng, khai thác tối đa những lợi thế của mình.
“Việt Nam sẽ đóng vai trò là “xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới trong tương lai không xa”, TS. Patrick Dixon, người từng được Tạp chí Times đánh giá là “người có tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà chiêm tinh học” và là “nhà tương lai học hàng đầu thế giới” dự báo về tương lai của Việt Nam.
“Nhìn lại 25 năm qua, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 200 tỷ USD, đầu tư vào 14.000 dự án, trong đó có sự xuất hiện của những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới như Canon, Samsung, Intel…”, TS. Patrick Dixon chứng minh dự báo “Việt Nam sẽ đóng vai trò là “xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới trong tương lai” sẽ trở thành sự thật.
“Việt Nam có lợi thế phát triển kinh tế, có cơ hội phát triển kinh tế. Vấn đề là các bạn sẽ làm những gì và làm như thế nào để nắm bắt xu thế toàn cầu, nhìn thấy trước những lợi thế và cả khó khăn, hạn chế của nền kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ có vậy, Việt Nam mới tăng được năng lực thu hút đáng kể các dự án đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, Thai Lan, Indonesia, Malaysia… (để trở thành công xưởng của thế giới)”, TS. Patrick Dixon khuyến cáo.
Chưa dám mơ ước đến lúc nào đó Việt Nam trở thành “xưởng sản xuất công nghiệp của thế giới”, song TS. Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng có cái nhìn khá lạc quan vào tương lai của nền kinh tế khi bước đầu đã kiềm chế được lạm phát, chống được nhập siêu, tỷ giá ổn định, dữ trữ ngoại hối duy trì ở mức 12 tuần nhập khẩu (vào khoảng 24 - 25 tỷ USD)…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.2012 tăng 0,47% so với tháng 10.2012. Nếu so với tháng 12.2011 thì CPI chỉ tăng 6,52%. “Nếu CPI tháng 12.2012 tăng bình quân của tháng 11 và tháng 10 (tháng 10.2012 tăng 0,85%) thì chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, tốc độ tăng CPI năm nay chỉ vào khoảng 7-7,5%”, ông Muôn dự đoán.
Ông Muôn nhận định, cách thức điều hành thị trường hiện nay đang đi đúng quỹ đạo và đạt hiệu quả rõ rệt. Với cách điều hành thị trường vận hành theo đúng cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, năm 2013, tốc độ tăng CPI nhiều khả năng tiếp tục giảm, và vào năm 2014 - 2015, tốc độ tăng CPI sẽ đạt mức độ trung bình (tăng khoảng 4-5%).
Nguồn Báo Đầu tư