Việt Nam sẽ thừa nhận án lệ
Án lệ là vấn đề được thảo luận nhiều tại cuộc họp ngày 7-4 của Ủy ban tư pháp của Quốc hội về dự Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Vì, theo dự luật, Tòa án nhân dân tối cao tới đây sẽ phải thực hiện nhiệm vụ "Tổng kết thực tiễn xét xử của các Toà án nhân dân; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử bằng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phát triển án lệ" - điều 12.2.c.
Theo quan điểm của Ban soạn thảo dự luật, các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ trở thành chuẩn mực pháp lý, có giá trị hướng dẫn chung đối với tòa án các cấp theo nguyên tắc "các vụ án tương tự phải được xét xử và phán quyết như nhau". "Đây chính là phương thức để giúp Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật thông qua việc ban hành và phát triển án lệ", Tờ trình dự luật viết.
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện, cho biết ông ủng hộ quy định về án lệ của dự luật. Theo ông, thừa nhận án lệ sẽ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, với việc phát triển án lệ và ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán - hội đồng xét xử phải tham khảo án lệ khi xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án - chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc "lách luật" do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng.
Theo giới luật sư, nếu nguyên tắc án lệ được áp dụng thì tòa án, luật sư, người dân và doanh nghiệp sẽ đỡ mất thời gian hơn trong việc xét xử nhiều vụ án.
Tuy nhiên, theo dự luật, án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật nên có không ít ý kiến cho rằng, nếu quy định nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ thì cần làm rõ giá trị pháp lý của án lệ chứ không thể chỉ để tham khảo trong xét xử được.