Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong năm 2020. Ảnh: TL
Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 2021
Theo báo cáo “Vietnam at a glance - Tỏa sáng trong một năm thật đặc biệt” được Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC đưa ra có nhấn mạnh việc Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong năm 2020, nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 2021.
Khả năng hồi phục chưa từng thấy
Mặc cho những thách thức chưa từng diễn ra trước đây, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Đây là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 với tỉ lệ 2,9%, nhờ vào tổ hợp các yếu tố tích cực bao gồm các biện pháp ngăn chặn virus sớm một cách hiệu quả, nhanh chóng quay lại hoạt động bình thường và xuất khẩu các mặt hàng điện tử bùng nổ. Với bên ngoài, Việt Nam đã có thể chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đang trên đà phục hồi ổn định. Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng duy trì rất tốt, với tiêu dùng tư nhân hồi phục một cách tương đối nhờ vào sự giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Việt Nam đã kiểm soát COVID-19 với tổng số ca mắc chỉ hơn 1.500 ca. Ảnh: HSBC. |
Kế hoạch 5 năm
Việt Nam sẽ khởi động năm 2021 với một sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội này sẽ đặt ra những ưu tiên kinh tế mới trong giai đoạn 5-10 năm tới. Tất cả sự chú ý đều dồn về việc làm sao Việt Nam thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với những đối tác thương mại lớn cũng như đẩy mạnh quá trình cải cách đang diễn ra. Cụ thể, theo HSBC, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng tốc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có thể là 2 vấn đề của chương trình nghị sự.
Năm 2021 tươi sáng
Theo HSBC, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi. HSBC kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 7,6%.
Mặc cho nhiều thách thức, GDP của Việt Nam năm 2020 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: HSBC. |
Trong khi đó, áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải. Theo dự báo của đơn vị này, lạm phát toàn phần ở mức trung bình khoảng 3,3% vào năm 2021, thấp hơn mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Sự kiện chính trị quan trọng trong tháng 1.2021
Bất kể kết quả của cuộc cải tổ lãnh đạo Đại hội Toàn quốc diễn ra từ ngày 25.1 đến ngày 2.2.2021 như thế nào, chính sách kinh tế vẫn được kỳ vọng sẽ nhất quán và không có nhiều khả năng thay đổi đáng kể. Vào tháng 10.2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đề xuất mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho giai đoạn 2021-2025 và mục tiêu GDP bình quân đầu người từ 4.700-5.000 USD vào năm 2025.
Trong tuần đầu tiên của năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6,5%. Về trung hạn, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và sau đó là nước có thu nhập cao vào năm 2045. Ngoài những mục tiêu định lượng, Việt Nam cũng cần theo dõi những ưu tiên quốc gia cụ thể mà quốc gia sẽ theo đuổi.
Xuất khẩu của Việt Nam phục hồi tốt, nhờ vào sự tăng trưởng cao của các sản phẩm liên quan đến đại dịch. Ảnh: HSBC. |
Một trong những chủ đề chính là các mối quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là với Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc không chỉ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam mà còn là đối tác đầu tư quan trọng, trở thành nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn thứ 2 trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, châu Âu, Nhật và Hàn Quốc.
Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ đang được chú ý. Về kinh tế, Mỹ từ lâu đã là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang được di dời. Thách thức đối với ban lãnh đạo mới ở Việt Nam là tiếp tục phát triển quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Biden trong khi giảm rủi ro về thuế quan.
Dịch chuyển của Việt Nam đã phục hồi gần như quay lại thời kỳ trước dịch. Ảnh: HSBC. |
Về đối nội, cơ sở hạ tầng sẽ vẫn là một vấn đề then chốt. Quay trở lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020, cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông và năng lượng. Trong đó đề cập rõ ràng đến việc xây dựng ba dự án trọng điểm quốc gia là đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, một số dự án đang triển khai chậm trễ.
Vào năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được mong đợi từ lâu đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến các nhà đầu tư tư nhân và khuyến khích họ tham gia vào các dự án lớn.
Một trọng tâm chính khác có lẽ tập trung vào quá trình tư nhân hóa/cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Trong giai đoạn 2011-2015, gần 600 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, đạt 96% mục tiêu. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đình trệ đáng kể kể từ năm 2016. Từ năm 2016 đến tháng 9.2020, chỉ có 37 trong số 128 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, chưa đạt 30% so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, có thể chuyển thành một lộ trình chi tiết hơn trong Đại hội toàn quốc lần thứ XIII sắp tới.