Việt Nam sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô
Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn, với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tiếp tục đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thách thức, khi khối doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thị trường thế giới, nhất là giá dầu biến động khó lường…ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương cho biết sẽ nỗ lực tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ, Quốc hội giao, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tận dụng các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về những vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2015, ngành Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là thị trường thế giới biến động khó lường, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để đạt được mục tiêu quan trọng này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Đây là nhiệm vụ hàng đầu Chính phủ giao ngành Công Thương.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tìm giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Nền kinh tế của chúng ta hiện nay có sự tham gia lớn của lĩnh vực ngoại thương nên tăng trưởng xuất khẩu với mục tiêu tăng 10% là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Công Thương phải thực hiện.
Trong đó, tập trung vào việc tìm thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh những thị trường truyền thống, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại. Tiếp tục đối phó, ứng xử với các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà thị trường các nước đang sử dụng với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa là Bộ Công Thương cũng sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến cải cách thủ tục hành chính. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nhắc các bộ ngành năm 2015 là năm phải có chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong tiếp cận các thủ tục hành chính, để có thể có môi trường kinh doanh, đầu tư tốt hơn, thu hẹp khoản cách môi trường kinh doanh giữa Việt Nam với các nước.
PV: Trong năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như tiếp tục đàm phán ký kết các hiệp định thương mại. Bộ Công Thương sẽ có những định hướng và giải pháp gì để việc tham gia hiệp định thương mại mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam sẽ thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, có điều kiện sản xuất, người tiêu dùng sử dụng hàng hoá rẻ hơn do nhập từ bên ngoài. Thế nhưng khi tham gia AEC chúng ta cũng phải đối mặt với thách thức từ chính hàng hóa các nước, đầu tư dịch vụ các nước thâm nhập vào thị trường. Rõ ràng giữa thuận lợi thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam phải có bước đi phù hợp để giảm thiểu thách thức, để khai thác được lợi thế tích cực, cơ hội thuận lợi do mở cửa thị trường mang lại.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, khi đàm phán các Hiệp định thương mại phải đạt được các yêu cầu như có được sự cân bằng lợi ích nhất. Lợi ích cốt lõi của Việt Nam là làm sao mở cửa thị trường để giúp tăng trưởng xuất khẩu đối với những hàng hóa chúng ta có lợi thế như dệt may, da giày, thủy sản, công nghiệp chế biến… Đồng thời, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chúng ta quan tâm như năng lượng, công trình kết cấu hạ tầng, công trình công nghệ cao.
Nguyên tắc thứ hai, cần có lộ trình phù hợp với mặt hàng nhạy cảm, cố gắng để đối tác nhất trí Việt Nam có lộ trình thích hợp để có điều kiện chuẩn bị cho các doanh nghiệp chủ động hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh, để đến khi kết thúc lộ trình, doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra bên ngoài. Khi đàm phán cố gắng để thực hiện theo đúng quy định trong nước, trường hợp phải sửa đổi bổ sung phù hợp chính sách, bước đi trong hội nhập thì việc sửa đổi bổ sung cũng phải phù hợp với định hướng chung về pháp luật của chúng ta trong thời gian tới.
PV: Dự báo, năm 2015, giá dầu thế giới tiếp tục giảm. Điều này có tác động như thế nào và Bộ Công Thương có những chuẩn bị như thế nào để ứng phó, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Giá dầu giảm chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trước đây, dầu khí đóng góp trên 20-30% thu ngân sách nhà nước, nhưng hiện nay giảm xuống còn 10-11%. Điều này cho thấy càng ngày chúng ta càng đi theo hướng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, tuy nhiên vẫn là phần đóng góp quan trọng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã họp bàn về việc làm sao giá dầu năm 2015 không thuận lợi cho người sản xuất, tức là ở mức thấp thì có biện pháp phù hợp để duy trì phát triển ngành dầu khí nhưng đồng thời giảm bất lợi do giá dầu thô thấp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí và qua đó tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 2015.
Biện pháp cụ thể cũng đã họp bàn và báo cáo Chính phủ. Tôi tin rằng với những biện pháp này thì ảnh hưởng của giá dầu thấp sẽ giảm thiểu thấp nhất và chúng ta sẽ bù lại bằng những biện pháp khác mà chúng ta có thể triển khai trong năm 2015.
PV: Cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn VOV