Việt Nam sẽ là công xưởng mới của doanh nghiệp Nhật
Nhật Bản độc chiếm ngôi đầu trên bảng xếp hạng các nguồn FDI vào Việt Nam 11 tháng đầu năm 2012, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 5,051 tỷ USD, chiếm đến 41,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi Singapore, nhà đầu tư đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng (chỉ chiếm 12,8% tổng vốn, với giá trị tuyệt đối 1,554 tỷ USD). Điều này cho thấy phần nào tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo Công ty TNHH Hasu Việt Nam (quận 1, TP.HCM), chuyên về xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, Việt Nam là điểm đến đầu tư được các nhà đầu tư Nhật đánh giá rất cao, có thể nói là điểm đến “phù hợp nhất” cho các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản. Với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ dễ dàng chiếm lĩnh được dòng vốn này, nếu cải thiện được vấn đề thủ tục hành chính.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Văn phòng TP.HCM (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản - JETRO) cũng thừa nhận có sự dịch chuyển rất lớn làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. “Việt Nam có được những yếu tố cạnh tranh khác khi nhà đầu tư Nhật Bản luôn thận trọng trong các quyết định. Các công ty Nhật Bản sẽ theo dõi tình hình và có đánh giá về những rủi ro ở các nước trước khi ra các quyết định. Có thể có vài công ty sẽ tìm cách phân tán rủi ro và do đó, họ sẽ chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư mới, hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam”, ông Hirotaka cho biết.
Thừa nhận việc nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao lực lượng lao động Việt Nam, nhưng ông Tao Tanaka, Giám đốc Công ty NSK (Khu công nghiệp Long Hậu) khuyến cáo, thủ tục hành chính đang làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam. “Theo tính toán ban đầu, việc đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp NSK giảm 30% chi phí sản xuất, nhưng thực tế, con số này chỉ 5 - 10%, do vướng mắc về thủ tục hành chính làm tăng chi phí”, ông Tanaka nói.
Nguồn Đầu tư