Việt Nam sẽ giảm phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc
"Mọi người đang chuyển động", ông John Rockkeep, Giám đốc Điều hành của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam ở TP.HCM ví von được báo chí trích dẫn.
Rockkeep đã chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng các công ty quan tâm đến việc di chuyển từ Trung Quốc. Kể từ tháng 9, ông nói có bốn công ty tiếp cận tổ chức của ông để được tư vấn về việc chuyển đến Việt Nam - gấp bốn lần so với các tháng trước.
Những người khác cũng đang thể hiện quan tâm ngày càng tăng đối với Việt Nam. Một công ty, Hang Sinh Business Service Centre (HSBSC), một trung tâm dịch vụ kinh doanh tại TP.HCM, đã bận rộn giúp các nhà sản xuất phụ tùng ô tô, may mặc và điện tử tiêu dùng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Điều đó bắt đầu vào cuối tháng 8. [Sự gia tăng] cực kỳ rõ ràng", Zhang Diansheng, Tổng giám đốc HSBSC, cho biết. Zhang nhận được lời yêu cầu từ hơn 100 công ty trong 3 tháng, gấp 2-3 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ông nói: "Chúng tôi tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu. Thỏa thuận đình chiến giữa Trung Quốc và Mỹ sau cuộc gặp giữa hai tổng thống của họ vào ngày 1 tháng 12 có thể kiềm chế sự gia tăng. Nhưng việc ngừng bắn chỉ là một hiện tượng tạm thời, bởi vì cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không thể ngăn chặn được".
Cuộc chiến thương mại cũng nhấn mạnh sự phụ thuộc kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc và làm tăng rủi ro cho Việt Nam.
Ông Bùi Băng Biên, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ Quốc tế (CSSD) sợ rằng hàng hóa Trung Quốc sẽ đến đây, được đóng dấu [sản xuất tại Việt Nam] và vận chuyển đến Mỹ - điều này không tốt cho Việt Nam.
Ông Biên giải thích rằng việc di dời nhà máy tới Việt Nam từ Trung Quốc diễn ra ngày một nhiều thì càng có nhiều khả năng Washington sẽ từ chối các sản phẩm của Việt Nam.
Hồi tháng 5, Mỹ đã áp thuế đối với thép Việt Nam, nói rằng Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam để tránh các biện pháp chống bán phá giá do Mỹ áp đặt đối với thép Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại đã khiến Việt Nam thêm quyết tâm đa dạng hóa rủi ro và thúc đẩy xây dựng dựa trên những nỗ lực rất tích cực để theo đuổi các hiệp định thương mại với nhiều đối tác khác nhau.
“Không ngẫu nhiên mà Việt Nam đã cố gắng phát triển mối quan hệ với các đối tác đầu tư lớn khác, như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan”, ông Max Maxfield Brown, người đứng đầu khu vực Asean của hãng nghiên cứu thị trường Dezan Shira, cho biết.
Nó cho phép Việt Nam giảm ảnh hưởng của Trung Quốc mà không phải hạn chế đầu tư của Trung Quốc. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại lớn trong những năm gần đây, mở rộng thêm đối tác. Tháng này Việt Nam đã phê chuẩn CP-TPP, và các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU đã được hoàn tất trong năm nay.