Nikkei

 
Như Quỳnh Thứ Năm | 04/01/2018 13:19

Việt Nam sẽ có tỷ lệ tăng lương cao thứ hai thế giới năm 2018

Điều này là nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc và những thay đổi trong cơ cấu kinh tế của đất nước.

Nikkei nhận định giới công nhân châu Á đang sẽ có mức tăng lương thực cao nhất thế giới trong năm 2018, nhờ vào tăng trưởng kinh tế vững chắc và những thay đổi trong cơ cấu kinh tế của khu vực, trong khi công nhân tại Nhật Bản và các nền kinh tế phương Tây phát triển sẽ chứng kiến lương của mình tăng chậm trong bối cảnh lạm phát đang quay trở lại.

Theo một cuộc nghiên cứu do Korn Ferry, công ty nhân lực theo dõi 20 triệu nhân công trong 25.000 công ty thực hiện, lương thực tế sau khi điều chỉnh với lạm phát ở châu Á sẽ tăng 2,8% trong năm nay.

Nhưng giới công nhân ở châu Á không nên vội mừng. Mức tăng này là một sự  suy giảm so với mức 4,3% của năm trước, khi mà tăng trưởng kinh tế trong khu vực này sẽ chậm lại sau đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2017, do tác động của việc lãi suất tăng lên và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. Lạm phát cũng đã quay trở lại như là một trở lực tiềm ẩn đối với sức mua của người tiêu dùng.

Các nước tăng lương hàng đầu

Những nước có mức tăng trưởng tiền lương hàng đầu ở châu Á là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan trong khi Nhật Bản ở vị trí thấp nhất.

Tại Ấn Độ, tiền lương thực tế được dự kiến ​​sẽ tăng 4,7%, đây sẽ là mức tăng lương lớn nhất trong năm 2018. Quốc gia Nam Á tiếp tục phục hồi sau sự gián đoạn lớn khi mà thủ tướng Modi loại bỏ các đồng tiền mệnh giá lớn khỏi lưu thông vào năm 2016.

Viet Nam se co ty le tang luong cao thu hai the gioi nam 2018
Mức tăng lương ở các nước (đã điều chỉnh với lạm phát). Ảnh: Nikkei

HSBC cho biết, lương dành cho người lao động ở Việt Nam cũng sẽ tăng, nhưng ngân hàng này vẫn lo ngại về nợ tư nhân đang tăng lên và dấu hiệu bong bóng thị trường bất động sản.

Các công nhân Thái Lan cũng sẽ được tăng lương khi đất nước này đang trong quá trình trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, khi kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng.

Tại Trung Quốc, mức tăng lương thực tế dự kiến ​​sẽ là 4,2%, tăng từ mức 4,0% năm ngoái. Các nhà kinh tế tại trang Economy.com của Moody dự đoán rằng Trung Quốc sẽ duy trì một chính sách tài khóa chủ động vào năm 2018 khi nước này muốn giảm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, trong khi ngành tài chính chịu nhiều rủi ro từ nợ đang ở mức cao.

Tại Nhật, mức tăng lương thực dự kiến ​​sẽ giảm từ 2,1% xuống còn 1,6%. Các công ty dự kiến ​​sẽ đưa ra mức tăng lương 2% cho năm thứ 5 liên tiếp, theo sau yêu cầu tăng lương của Thủ tướng Shinzo Abe nhưng áp lực lạm phát đang có dấu hiệu quay trở lại sẽ là một thách thức cho ý định tăng lương thực tế tại đất nước mặt trời mọc.

Áp lực lạm phát

Tăng trưởng  kinh tế mạnh mẽ đang làm gia tăng áp lực lạm phát ở các quốc gia có mức lương tăng lương cao ở Đông Nam Á và Trung Quốc, làm giảm đà tăng của mức lương danh nghĩa, Korn Ferry nhận định. Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo rằng lạm phát sẽ tăng thêm nữa vào năm 2018, "chủ yếu là do hoạt động kinh tế mạnh mẽ trong nước và giá hàng hóa vẫn giữ được đà tăng".

Capital Economics đã đánh giá thấp nguy cơ này và nói rằng: "Lạm phát có thể sẽ vẫn là rất hạn chế”. Tổ chức này dự đoán đà tăng của giá dầu sẽ chậm lại, trong khi lãi suất tăng lên và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng trong khu vực.

Một điều là chắc chắn là các nền kinh tế phát triển sẽ không tăng lương đủ lớn để bù cho sự gia tăng của lạm phát. Korn Ferry dự báo mức tăng lương 0,4% cho nước Úc, 0,8% cho nước Đức và 0,5% cho Vương quốc Anh..

Có rất nhiều yếu tố gây ra sự trì trệ như vậy ở các nền kinh tế tiên tiến. Quyền lực mặc cả (bargaining power) của nhân công giảm xuống gây ra bởi sự gia tăng của công nhân bán thời gian và tự động hóa, cũng như việc các nhà quản lý kì vọng tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra chậm, là những lý do khiến cho lương tại các nền kinh tế phát triển tăng chậm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.