Năm 2020 Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu thụ thuộc tầng lớp trung lưu giàu có. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng đạt khoảng 1.960 USD trong khi đó, theo thông tin từ đồng hồ nợ công, mỗi người Việt đang gánh hơn 18 triệu đồng nợ công.
Công ty Tư vấn Boston (BCG) vừa công bố khảo sát cho biết, tầng lớp trung lưu và giàu có tại Việt Nam và Myanmar sẽ gia tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020.
Theo đó, tới năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu thụ thuộc tầng lớp trung lưu-giàu có, và số này ở Myanmar sẽ là 10 triệu người.
Theo khảo sát, nhóm trung lưu ở Việt Nam và Myanmar cũng nằm trong nhóm lạc quan nhất trên thế giới, hơn cả các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...
|
Năm 2020 Việt Nam sẽ có hơn 30 triệu người tiêu thụ thuộc tầng lớp trung lưu giàu có. |
Vừa qua, phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi tăng trưởng và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Với mức tăng GDP đạt 5,4% trong năm 2013 (trung bình 3 năm là 5,6%), quy mô kinh tế hiện tại của Việt Nam hiện đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD.
Như vậy, so với mức thu nhập 1.600 USD được Thủ tướng thông báo tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2012, thu nhập của người Việt Nam đã tăng gần 23% trong một năm và nhiều khả năng hoàn thành sớm mục tiêu đạt 2.000 USD vào năm 2015.
Nợ công 95% GDP?
Mặc dù nợ công đang được công bố ở mức hơn 50% GDP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng khẳng định, nợ công của Việt Nam trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).
Trong khi đó, ngày 22/11 nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội lại cho biết, nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công của Việt Nam có thể lên đến khoảng 95% GDP.
Tại hội thảo "Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015" diễn ra ngày 19/12, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết câu chuyện về nợ công hiện tại còn nợ một vấn đề rất lớn, không rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Bộ Tài chính với tư cách cơ quan quản lý nợ công hay của Ngân hàng nhà nước là cơ quan gần như chuyên đi ký để vay nợ công, đó là vấn đề sử dụng nợ công.
Không những vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) còn nêu một điểm đáng lo ngại hơn đó là nghĩa vụ trả nợ công của ngân sách khi năm 2013 là 24% tổng thu ngân sách và dự kiến đến 2016 sẽ vượt 30%, là vượt ngưỡng an toàn.
Đồng hồ nợ công (The global debt clock) tính đến 16 giờ ngày 20/12 cho thấy, nợ công của Việt Nam là 78,034 tỷ USD, bình quân nợ theo đầu người là hơn 865,25 USD/người, tương đương hơn 18 triệu đồng.
Hồi tháng 1, nợ công tính trên đầu người là 787,9 USD với tổng nợ công 70,576 tỷ USD. Như vậy sau gần 12 tháng, nợ công đã tăng 7,45 tỷ USD.