Thứ Hai | 02/06/2014 20:48

Việt Nam sẽ chủ động vận hành dự án bô-xít Tân Rai, Nhân Cơ

Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã đào tạo nguồn nhân lực và hoàn toàn có thể vận hành các dự án Tân Rai, Nhân Cơ.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ với phóng viên bên lề kỳ họp QH sáng 2/6 (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 2/6:

Nhiều người cho rằng, với mức giá điện hiện nay thì không hấp dẫn lắm đối với với doanh nghiệp sản xuất nhôm, Phó Thủ tướng nghĩ sao về điều này?

Có một số loại giá điện cho nhôm, cho năng lượng mới tái tạo, nhiều nhà đầu tư cho rằng chưa hấp dẫn nhưng chúng ta phải hiểu đây là loại giá điện khác hẳn. Giá điện phải mua và phải bán, không đặt hàng. Như vậy, khi giá điện công bố thì người ta cứ nhân lên, EVN phải mua, không có đàm phán.

Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải tối ưu hóa trên cơ sở giá đã biết trước rồi để tính toán, nếu không hiệu quả thì đừng làm. Còn nếu chúng ta đưa giá đàm phán thì lại là chuyện khác. Chúng ta tạo ra sức ép để doanh nghiệp đầu tư phải tối ưu hóa chứ không phải có giá đó mà không chịu quản trị, dẫn đến không đạt hiệu quả.

Phó Thủ tướng có thể cho biết những tác động về giá điện đối với dự án bô-xít sản xuất alumin hiện nay?

Mình có tiềm năng về bô-xít lớn, sản xuất ra alumin xuất khẩu. Dự án đó có hiệu quả nhưng không cao do thị trường chung đang đi xuống. Khi nền kinh tế thế giới phục hồi thì giá nhôm sẽ lại tăng lên. Nếu mình tiếp tục làm từ alumin sang nhôm thì sẽ tạo ra chuỗi hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, giá điện của mình không phải là giá điện có lợi thế. Chúng ta cho dự án thí điểm vừa rồi là để đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước, trước thực trạng mình đang phải nhập hoàn toàn.

Những năm vừa qua, Quốc hội cũng nói phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa thì các sản phẩm phải mang lại hiệu quả, có sức cạnh tranh ngay cả trên sân nhà chứ không phải chỉ ngoài quốc tế.

Một số sản phẩm thiết yếu chúng ta phải đáp ứng được 30- 50 thị trường trong nước, để không đến mức thụ động. Ví dụ như phân bón vừa qua chúng ra đã làm đúng, các dự án phân bón có hiệu quả và đã cổ phần hóa được.

Những sản phẩm khác như nhôm cũng đưa ra những tiêu chí ban đầu hỗ trợ các nhà đầu tư để có thể đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước. Nếu sản xuất có hiệu quả rồi, có khả năng chịu được giá điện cao hơn sẽ tốt hơn. Như 10 năm trước, sản xuất nhôm chỉ chịu được giá điện 2 cent/1kw, đến nay với sự phát triển của công nghệ thì các dự án đó đã chịu được giá điện cao hơn.

Nhôm có phải là mặt hàng thiết yếu với chúng ta hiện nay không, thưa Phó Thủ tướng?

Không phải hoàn toàn thiết yếu nhưng hiện chúng ta phải nhập khẩu lớn. Hiện nay một năm mình phải nhập khẩu 3 triệu tấn nhôm, với mức giá 2,6 – 3 nghìn USD/tấn thì đó là lượng vốn lớn.

Mức giá alumin xuất khẩu tại dự án đang sản xuất ở Tây Nguyên hiện nay của chúng ta là bao nhiêu, thưa Phó Thủ tướng?

Tuần này tôi chưa cập nhật, nhưng với tuần trước thì giá đã tăng lên so với giá dự kiến. Giá alumin thường theo tiến độ giá của thế giới. Nhưng mức giá hiện nay chưa bằng mức dự báo vào những năm 2016 – 2020, với mức bình quân khoảng 450 USD/tấn. Nếu đạt được mức giá này, hiệu quả dự án sẽ tốt hơn. Điều này cũng cho thấy công tác quản trị của dự án rất quan trọng.

Xin Phó Thủ tướng cho biết việc làm chủ công nghệ của chúng ta tại một số dự án ở Tân Rai, Nhân Cơ hiện nay ra sao?

Qua dự án Tân Rai vừa rồi chúng ta đã đào tạo nguồn nhân lực và đến bây giờ đã hoàn toàn do người Việt Nam vận hành chứ không phải thuê chuyên gia nữa.

Đến dự án Nhân Cơ tới đây cũng vậy, chúng ta sẽ tiếp thu và vận hành được. Vấn đề lớn nhất hiện nay là mình quản trị thiết bị như thế nào để bảo đảm an toàn và tính toán dự phòng những thiết bị thay thế chế tác trong nước, hay tìm ở những thị trường nước ngoài. Thực tế đây cũng không phải vấn đề lớn vì công nghệ chúng ta nhập cho 2 dự án này là công nghệ G7.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Thành Nam (ghi)

Nguồn Infonet


Sự kiện