Chủ Nhật | 21/09/2014 08:26

Việt Nam phải mất nhiều năm để thoát bẫy thu nhập trung bình

Phải tới năm 2058 Việt Nam mới thoát “bẫy thu nhập trung bình”.Trong các nước châu Á, Việt Nam thuộc nhóm phải mất nhiều thời gian nhất để cải thiện.
Nhận định này được đưa ra tại diễn đàn phát triển châu Á lần thứ 5 với chủ đề “Thách thức và chiến lược hướng tới phát triển bền vững của châu Á”.

Theo đó tại diễn đàn này nhận định con đường vượt khỏi mức thu nhập trung bình của Việt Nam và nhiều nước châu Á khác được đánh giá là có thể kéo dài hàng chục năm song Việt Nam được xem là quốc gia sẽ mất nhiều thời gian hơn cả.

Cụ thể để cải thiện tình hình thì mỗi quốc gia cần phải đầu tư cho con người qua hệ thống giáo dục, y tế... và phải đổi mới, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Thế nhưng hoạt động này hiện đang được cho là diễn ra khá chậm chạp ở Việt Nam.

Trước đó, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương từng nhận xét: tái cơ cấu đâu tư công đang được thực hiện nhưng kết quả đạt được cho đến nay không được như mong đợi, nền kinh tế tiếp tục trì trệ và suy giảm, tăng trưởng chưa được phục hồi.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì cổ phần hóa rất chậm và thoái vốn thì thực sự khó khăn. Tiêu chí cách thức bảo toàn vốn chưa phù hợp với thị trường, chưa đúng tinh thần tái cơ cấu.

Các DNNN thì có vẻ như chỉ bán để cắt lỗ chứ không phải để tái cơ cấu kinh tế. Vẫn chưa áp đặt được đầy đủ nguyên tắc thị trường. Theo TS Cung việc thực hiện các nội dung tái cơ cấu kinh tế thời gian qua thể hiện rõ nhất là sự ngập ngừng trong các quyết sách.

Về điều này GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản từgg nhận định: VN còn quan liêu. Cách làm của VN là trước một vấn đề, thường tổ chức hội thảo nhiều, rồi nghiên cứu, viết đề xuất nhiều nhưng hành động không bao nhiêu. Phương pháp làm chính sách này cần thay đổi.

Không chỉ có vậy, Việt Nam còn là nước được xếp vào danh sách múc tài nguyên thô lên để bán và đây cũng là yếu tố đẩy quốc gia vào bẫy thu nhập trung bình.

Mới đây Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đã chọn được 3 trọng tâm phát triển là cơ sở hạ tầng, phát triển thể chế và nguồn nhân lực để tránh “Bẫy thu nhập trung bình”.

Thứ nhất, việc phát triển cơ sở hạ tầng là chọn được ra đối tượng tiêu điểm - lấy con người làm trung tâm, chú trọng đến tính bền vững xã hội, môi trường và tài chính (quản lý nợ), đảm bảo an ninh cho con người ở mọi cấp độ.

Thứ hai, với nhu cầu to lớn về cơ sở hạ tầng và đô thị hóa trong khu vực, việc thúc đẩy tài chính tư nhân trong khi vẫn đảm bảo chia sẻ tối đa rủi ro và trách nhiệm giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là rất quan trọng.

Thứ ba, nguồn lao động phải được đa dạng hóa được đào tạo và có tay nghề cao cả về chất lượng sẽ là nền tảng cơ bản để cải tiến nhanh chóng công nghệ và chuyển đổi cơ cấu công nghiệp.

Theo ông Vinh, đây chính là thời điểm Việt Nam cần phải có phương thức phát triển mới. Chính phủ đã xây dựng chương trình tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

“Nếu trước đây chúng ta chỉ tập trung vào tăng trưởng vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ, thì nay phải là tăng năng suất lao động, quản trị hiện đại, tập trung khai thác tiềm năng con người”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Nguồn Đất Việt


Sự kiện