Việt Nam ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4?
Gần đây, cụm từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 liên tục xuất hiện trên truyền thông quốc tế như một sự kiện vô cùng to lớn, có thể thay đổi toàn bộ cách thức vận động và sản xuất của thế giới hiện nay. Một sự chậm trễ trong việc tham gia vào làn sóng này có thể sẽ khiến một quốc gia bị tổn thương, bị bỏ lại đằng sau trong cuộc chạy đua cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của thế giới hiện nay.
Nổi lên trong xu thế phát triển này là nổi lên vai trò quan trọng của hệ thống tự động hóa khi robot ngày càng có năng lực thay thế con người tại nhiều công đoạn sản xuất, thậm chí các ngành đỏi hỏi sự tinh vi và tỉ mỉ như điện tử, dệt may. Tất nhiên sự phát triển của máy móc đòng thời mang đến một mối đe dọa lớn cho con người, bên cạnh những tác động tích cực về hiệu quả sản xuất.
Ví dụ, theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 73% lao động trong ngành lắp ráp ô tô của Thái Lan có nguy cơ thất nghiệp. Còn ở Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử, 86% trong ngành dệt may, da giày sẽ đối mặt nguy cơ không còn việc làm trong tương lai vì bị máy móc thay thế dần.
Để đối phó với thách thức này, rõ ràng bản thân Việt Nam cũng cần tiến hành một cuộc cách mạng về công nghệ, nhưng liệu điều này có dễ dàng?
Kinh nghiệm sáng tạo của Đài Loan
Một trong số các mô hình có thể để Việt Nam học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc đón đầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là Đài Loan. Ngày nay, ngành công nghiệp chế tạo máy công cụ của Đài Loan luôn nằm trong top các quốc gia hàng đầu thế giới, thậm chí còn cung cấp cho các thị trường tiên tiến khác như Nhật, Hàn Quốc, đồng thời cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia Phương Tây.
Sự tiên phong và sáng tạo của các doanh nghiệp Đài Loan thật đáng học hỏi. Sở hữu bề dày hơn 60 năm phát triển nhưng các nhà máy sản xuất máy công cụ của Đài Loan không ngại phá bỏ những quan niệm cũ kỹ trong ngành nhằm tạo ra các sản phẩm có hiệu quả cao hơn, chính xác hơn và tùy biến hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Lợi thế cạnh tranh của Đài Loan chính là thiết lập được một cụm công nghiệp có quy mô lớn và khép kín hàng đầu thế giới. Ví dụ như cụm nhà máy cơ khí chính xác tại Đài Trung nằm ở trung tâm Đài Loan, tọa lạc ngay vùng đồi núi Đại Đỗ Sơn, là nơi hội tụ của 1.500 nhà sản xuất lớn và hàng chục ngàn công xưởng vệ tinh. Từ các cụm công nghiệp này như thế này, các dòng máy công cụ mang thương hiệu Đài Loan được tín nhiệm cao và xuất khẩu ra khắp thế giới, trọng đó Việt Nam. “Hiện máy móc nhập khẩu từ Đài Loan chiếm đến 40% tổng sản lượng máy móc nhập vào Việt Nam, 30% đến từ Nhật và Hàn Quốc và chỉ 20% đến từ Trung Quốc”, ông Phạm Minh Thảo - Phó giám đốc Công ty Việt Thăng chia sẻ. Việt Thăng hiện đang là 1 trong 4 công ty lớn cung cấp máy công cụ do Đài Loan sản xuất tại thị trường Việt Nam.
Trong xu thế Industry 4.0 hiện nay, công nghệ in 3-D là một trong những nhân tố quan trọng để giảm chi phí sản xuất. Làm chủ được công nghệ này cũng là đích nhắm của nhiều tập đoàn Đài Loan và trên thực tế họ đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng.
Ví dụ tại Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) ở khu công nghiệp Giang Điền (Đồng Nai), dễ bắt gặp một máy in 3D bằng xương bằng thịt. Máy có thể sản xuất được đa dạng các sản phẩm cơ khí phức tạp khác nhau ở dạng mẫu hoàn chỉnh mà nếu chỉ sản xuất riêng lẻ bằng các loại máy khác nhau, phải mất chi phí hàng chục ngàn USD, thậm chí hàng trăm ngàn cho những chi tiết máy có độ phức tạp và tinh xảo cao. Công ty VPIC hiện đang là đối tác của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Ducati, Harley Davidson... với tổng lượng cung ứng mỗi năm lên đến hàng triệu sản phẩm cơ khí chính xác.
Không dừng lại với những thành tựu đạt được, để nắm bắt cơ hội nhiều hơn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gần đây Đài Loan đã phê chuẩn chương trình hành động gọi là Productivity 4.0 Development Program nhằm hỗ trợ ngành sản xuất máy công cụ mang tính chất thông minh, chính xác, thậm chí còn hướng đến mục tiêu làm chủ công nghệ hàng không với giá trị mang lại ước tính lên đến 5.200 tỉ USD.
Theo đó, những nhà sản xuất công nghiệp hàng hàng không hàng đầu của Đài Loan đã kí kết thỏa thuận với Viện Nghiên cứu Kĩ thuật Công nghệ tạo ra Liên Minh kĩ thuật Công nghệ máy công cụ Hàng không A-I-M với mục tiêu cuối cùng là gia tăng chuỗi giá trị cho ngành sản xuất máy móc Đài Loan tăng hơn 30%.
Việt Nam phải làm gì?
Để bắt kịp các quốc gia khác trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không còn cách nào khác Việt Nam phải chủ động tìm ra các giải pháp, tạo cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn nghiên cứu sáng tạo, đồng thời học hỏi các mô hình tiên tiến của thế giới.
Điều lạc quan là chính phủ cũng sớm nhận ra yêu cầu này. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kí ban hành chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đề ra các nhiệm vụ trọng tâm mà các ban ngành cần nỗ lực triển khai, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia như chính sách phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng mô hình thành phố thông minh, triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao...Điều này được kì vọng sẽ thổi một làn gió mới cho lĩnh vực công nghê chế biến trong nước.
Tất nhiên, chính sách ban hành là một chuyện, còn sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định đến khả năng thành công. “Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được chú trọng, không chỉ đối với Chính phủ Việt Nam hay thế giới mà bản thân chúng tôi muốn phát triển cũng phải đi theo nó”, Ông Nguyễn Vương Long – Phó tổng giám đốc VPIC nói.
Điều thuận lợi hiện nay cho các doanh nghiệp là Việt Nam đang nổi lên trở thành địa điểm hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2016, tổng lượng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt kỉ lục mới: 24,3 tỉ USD. Còn trong 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI cũng lên đến 12,13 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kì năm trước. Việc có mặt của ngày càng nhiều các tập đoàn nổi tiếng như Samsung, Toshiba, Foxconn, Sumitomo, Honda, Yamaha, Canon, Brothers....mang đến một nhu cầu to lớn về máy móc cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng và sáng tạo ra các dòng máy móc ngày càng thông minh và hiệu quả.
TRIỂN LÃM MÁY CÔNG CỤ, CƠ KHÍ CHÍNH XÁC QUỐC TẾ (MTA VIETNAM) DIỄN RA VÀO THÁNG 7 MTA Vietnam là một sự kiện công nghệ thường niên lớn nhất tại Việt Nam và khu vực, quy tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới và trong nước tham gia. Năm ngoái, MTA Vietnam đã quy tụ hơn 410 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 75% đến từ Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. Năm nay, sự kiện MTA Vietnam 2017 và hội thảo quốc tế lần thứ 15 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại sẽ diễn ra từ 4-7/07/2017 tại trung tâm hội nghị triễn lãm Sài Gòn (SECC). Tại đây, các nhà sản xuất máy công cụ đến từ Đài Loan có riêng một khu vực lớn của Taiwan Pavilion là Khu A: AM2-4 hứa hẹn sẽ mang đến nhiều công nghệ mới trong ngành cơ khí chế tạo chính xác. |
Nam Minh