Bloomberg

 
Thứ Hai | 10/07/2017 11:54

Việt Nam nới lỏng tiền tệ để tăng trưởng, dù còn nhiều rủi ro tín dụng

Việt Nam bất ngờ hạ lãi suất cho vay lần đầu tiên trong 3 năm qua nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ làm gia tăng rủi ro tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước công bố hạ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành xuống 6,25%/năm và hạ lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm hôm thứ Sáu. Thay đổi này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ thứ Hai (10/7).

"Lần cắt giảm lãi suất này sẽ giúp chi phí vay tiền của doanh nghiệp và cá nhân rẻ hơn, vì vậy sẽ thúc đẩy nhu cầu vay tiền và nhu cầu tiêu dùng", ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết. "Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Chúng tôi cũng cần chú ý đến các khoản vay này sẽ được dùng vào mục đích gì để tránh việc gia tăng nợ xấu".

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ lần này đến sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam nên giữ nguyên lãi suất, nhấn mạnh việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng nóng. Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương do tốc độ cải cách ngành ngân hàng chậm, IMF cho biết.

Ngân hàng Nhà nước cho biết động thái này nhằm giúp tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn mức mục tiêu của chính phủ là 6,7%. Lạm phát hàng năm đã giảm xuống còn 2,54% vào tháng Sáu, mức tăng chậm nhất trong gần một năm qua.

Viet Nam noi long tien te de tang truong, du con nhieu rui ro tin dung
Lạm phát trong tháng Sáu của Việt Nam ở mức thấp nhất gần một năm qua. Nguồn: Bloomberg

Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách trong hệ thống ngân hàng kể từ năm 2012, sau đợt bùng nổ cho vay khiến nợ xấu gia tăng. Ngân hàng Nhà nước vào năm 2013 đã thành lập công ty VAMC để mua lại nợ xấu ngân hàng. Các khoản nợ xấu từ mức 17% vào thời điểm đó đã giảm xuống 2,6% tính đến tháng Ba và dự kiến sẽ vẫn giữ ở mức dưới 3%.

Tăng trưởng 'khôn ngoan'

"Chính phủ đã dành thời gian để ổn định nền kinh tế và giờ đây tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, thuận lợi cho chính sách nới lỏng tiền tệ để tạo ra tăng trưởng", Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển nói.

"Tuy nhiên, cần cẩn trọng hơn với tăng trưởng tín dụng nóng và dòng chảy tín dụng nhằm tránh bong bóng trên thị trường bất động sản, chứng khoán và lạm phát tăng nhanh, vốn đã từng xảy ra trong quá khứ", ông nói.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 18%. Hệ thống ngân hàng cũng có khoảng 345 nghìn tỷ đồng nợ xấu (15,2 tỷ USD) chưa được xử lý tính đến cuối năm 2016.

Tháng trước, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng được nới lỏng việc bán các khoản nợ xấu và tài sản thế chấp hơn mức hiện hành, qua đó đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Ngay cả khi cắt giảm lãi suất, mục tiêu tăng trưởng của chính phủ vẫn khó đạt được bởi thương mại đang trên đà giảm tốc, Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ cho biết. ANZ gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống 6% từ mức 6,4%.

"Dù tăng trưởng xuất khẩu vẫn tăng, nhưng thâm hụt thương mại đã xuất hiện trở lại trong năm nay, đồng nghĩa rằng đóng góp của thương mại đối với tăng trưởng chung sẽ thấp hơn", Victorino cho biết.

Trường Văn

Nguồn Bloomberg