Thanh Niên

 
Thứ Tư | 13/09/2017 13:21

Việt Nam nhập than giá cao từ Trung Quốc

Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước nhập khẩu gần 9,374 triệu tấn than, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 934 triệu USD.

Dù sản lượng giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng trị giá kim ngạch lại tăng đến 49,4%.

Như vậy, dù mới qua 8 tháng đầu năm 2017, nhưng ngoại tệ chi ra để nhập khẩu than đã vượt giá trị nhập khẩu cả năm 2016. Trước đó, năm 2016, nhập khẩu than của Việt Nam đạt 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị.

Xét về thị trường nhập khẩu than, Indonesia, Australia, Nga, Trung Quốc, Malaysia... là các thị trường nhập khẩu than chủ yếu của Việt Nam trong 8 tháng qua.

Trong đó, 3 thị trường có sản lượng nhập khẩu trên 1 triệu tấn là Indonesia, Australia, Nga.

Đối với Trung Quốc, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu 721.216 tấn than, trị giá 128,45 triệu USD từ thị trường này và xuất khẩu 13.330 tấn than, trị giá 937.122 USD.

Trung Quốc là nhà đầu tư nhiều dự án nhiệt điện tại Việt Nam, than mua từ thị trường này cũng đang có giá cao nhất so với các thị trường khác, đạt trung bình 178 USD/tấn, cao hơn mức bình quân cả nước gần 80% và tăng gần 121% so với cùng kỳ năm trước. Thế nên dù sản lượng nhập từ thị trường này giảm gần 640.000 tấn, nhưng trị giá kim ngạch vẫn tăng gần 19 triệu USD.

Trước đó, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từng phát biểu, năm 2017, để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện than, tập đoàn này dự kiến phải nhập khẩu 4,7 triệu tấn than và con số này sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, 19 triệu tấn vào năm 2025.

Ngoài EVN, còn có các nhà máy nhiệt điện của nước ngoài, nhà máy của các tập đoàn khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng phải nhập khẩu than.

Nguồn Báo Đất Việt