VietnamBiz

 
Diễm Quỳnh Thứ Năm | 05/04/2018 22:20

Việt Nam nhập siêu lớn từ Hàn Quốc và Trung Quốc

Nhập siêu tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong những tháng đầu năm, đây là số liệu báo cáo của Bộ Công Thương đưa ra trong quý 1.2018.

Hàn Quốc top 3 về công nghiệp điện tử

Mỹ và Trung Quốc đẩy Hàn Quốc về phía Việt Nam


Trong quý 1, nhập siêu gần 13 tỷ USD từ Hàn Quốc và Trung Quốc

Nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm tăng ở hầu hết các thị trường lớn của Việt Nam. Trong đó, ASEAN tăng 12,3%, Nhật Bản tăng 13,4%, EU tăng 12,1% và Hoa Kỳ tăng 11,5%.

Riêng thị trường Trung Quốc, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 3/2018, Việt Nam đã chi khoảng 5,15 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này, nâng tổng số nhập khẩu trong quý 1/2018 lên con số 14,31 tỷ USD.

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tháng 3 ước đạt 3,35 tỷ USD và trong quý 1, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 9,02 tỷ USD.

Như vậy, trong quý 1/2018, Việt Nam nhập siêu gần 5,3 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. 

Viet Nam nhap sieu lon tu Han Quoc va Trung Quoc
Nguồn: vietnamplus


Ở chiều ngược lại, trong tháng 3, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc với giá trị đạt 1,53 tỷ USD, tính chung quý 1, xuất khẩu sang thị trường này đạt 4,32 tỷ USD.Cũng trong tháng 3, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc khoảng 4,4 tỷ USD, do vậy đến hết quý 1/2018, mức nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước khoảng 11,91 tỷ USD. Những mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Hàn Quốc bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện từ và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Xăng dầu các loại; Sản phẩm từ chất dẻo...

Tính trong quý 1, Việt Nam nhập siêu từ thị trường Hàn Quốc là 7,59 tỷ USD.

Như vậy, trong quý 1, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc lên đến gần 13 tỷ USD.

FDI là nguyên nhân khiến Việt Nam nhập siêu lớn từ Hàn Quốc

Theo nhận định của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu và nhập siêu Hàn Quốc gia tăng không có gì khác biệt về chất lượng hàng hoá nhập khẩu, chủ yếu chỉ là hoạt động chuyển đổi nhập khẩu các hàng hoá từ Trung Quốc sang Hàn Quốc. Điều này minh chứng việc chuyển đổi đối tác nhập khẩu của Việt Nam không thay đổi về chất, vẫn là nhập khẩu các linh kiện cho sản xuất trong nước, xuất khẩu, trong khi khu vực doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu.

Trên thực tế, hoạt động nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang tạo nên giá trị nhập khẩu rất lớn cho Việt Nam. Xét trên 5 loại hàng hoá có kim ngạch nhập khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại di động và linh kiện, máy móc và phụ tùng, nguyên liệu cho da giày và dệt may và vải các loại... nhập khẩu của khu vực FDI đã chiếm gần 80% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trên của cả nước. Trong số kim ngạch nhập khẩu hơn 100 tỷ USD toàn nền kinh tế, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 60 tỷ USD (chiếm hơn 60% giá trị nhập khẩu).

Lý giải về hiện tượng gia tăng nhập siêu từ Hàn Quốc Bộ Công Thương cho rằng: Lượng và giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc có liên quan trực tiếp đến các doanh  nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam như: Samsung, LG và nhiều công ty con khác. Hai tổ hợp nhà máy lắp ráp điện thoại lớn của Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, nhà máy của LG tại Hải Phòng đã và đang chuyển hướng nhập khẩu nhiều linh phụ kiện điện thoại, máy móc từ Hàn Quốc thay vì Trung Quốc như trước kia.

Nguyên nhân là bởi FTA Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệu lực, mức thuế đối với hàng hoá nhập khẩu dạng linh kiện, nguyên liệu từ Hàn Quốc sang Việt Nam được hưởng ưu đãi 0% từ năm 2017.

Nguồn Tổng hợp