Thứ Tư | 10/12/2014 09:02

Việt Nam nhập siêu 3,35 tỷ USD từ các nước ASEAN

Hiện ASEAN là đối tác cung cấp hàng hóa lớn thứ cho Việt Nam và là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt 30,63 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước và được ghi nhận là tốc độ tăng thấp nhất từ trước tới nay.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường ASEAN đạt trị giá 13,64 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,3% và chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới.

Dẫn đầu về đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN trong 9 tháng tính từ đầu năm 2014 bao gồm các nhóm hàng dầu thô với kim ngạch 1.142 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ, sắt thép đạt 1.113 triệu USD, tăng 0,4%; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 16,7%, gạo tăng 48,5%, hàng dệt may tăng 6% và hàng thủy sản tăng 19,3% so với cùng kỳ 2013.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng bị suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 36% so với cùng kỳ 2013 còn 896 triệu USD, điện thoại các loại & linh kiện giảm 4% xuống 1.802 triệu USD, xăng dầu các loại giảm 23,7% xuống còn 495 triệu USD, phương tiện vận tải & phụ tùng giảm 13% xuống còn 620 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa VIệt Nam và ASEAN 9 tháng của các năm 2009-2014
Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa VIệt Nam và ASEAN 9 tháng của các năm 2009-2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 16,99 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN, tăng 7,4% và chiếm 15,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ tất cả các thị trường.

Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng: xăng dầu các loại, gỗ & sản phẩm gỗ với 94,5%, sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 52,9%, hàng rau quả tăng 92,6%, kim loại thường tăng 38,1%, điện thoại các loại & linh kiện tăng tới 605,4%.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như dầu thô, phân bón các loại, thức ăn gia súc & nguyên liệu, sữa & sản phẩm sữa. Trong đó, 9 tháng 2014, Việt Nam không nhập khẩu dầu thô từ các nước ASEAN, dù cùng kỳ năm trước kim ngạch nhập khẩu đạt 728 triệu USD.

Như vậy, với kết quả tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng xuất khẩu, thì cán cân thương mại hàng hóa (xuất khẩu - nhập khẩu) giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên ASEAN ở trạng thái thâm hụt đến 3,35 tỷ USD, chiếm 24,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN và tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm 2013.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong buôn bán với thị trường các nước ASEAN 9 tháng tính từ đầu năm 2014 INguồn
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong buôn bán với thị trường các nước ASEAN 9 tháng đầu năm 2014 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Trong tổng số 9 thị trường của khối ASEAN thì có 5 thị trường Việt Nam xuất siêu gồm Campuchia, Philippines, Indonesia, Myanmar và Brunei với tổng mức xuất siêu đạt 3,11 tỷ USD, tuy nhiên không bù đắp được mức thâm hụt ở 4 thị trường Singapore, Thái Lan, Lào và Malaysia lên đến 6,46 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam ghi nhận trong nội khối ASEAN thì Singapore là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2014. Các đối tác thương mại tiếp theo lần lượt là Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và cuối cùng là Brunei.

Nguồn DVO/TCHQ