Thủy sản là nhóm ngành hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Ảnh: Quý Hòa
Việt Nam nhập siêu 1 tỉ USD nửa tháng đầu năm
Số liệu từ Tổng cục Hải quan trong nửa đầu tháng 1.2019 cho thấy nhập siêu đã quay trở lại sau năm 2018 xuất siêu kỷ lục 7,2 tỉ USD. Tổng giá trị nhập khẩu cả nước đạt gần 10,2 tỉ USD, xuất khẩu đạt 9,2 tỉ USD. Như vậy, trong vòng 15 ngày đầu tháng 1.2019, con số nhập siêu là 1 tỉ USD. Năm 2019, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam nhập siêu khoảng 3 tỉ USD.
TS. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương Mại, Bộ Công Thương cho rằng cần lưu ý khi nhìn vào con số xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2019. Tuy nhiên, theo ông Thắng, với vấn đề nhập siêu và xuất siêu của Việt Nam nhìn vào các con số tổng quan "đừng nên vội mừng hay vội buồn". "Chúng ta cần phải xem nhập siêu hay xuất siêu là ở đâu, cho cái gì", vị chuyên gia bày tỏ.
Lý giải về điều này, đại diện Phòng Thuế xuất khẩu - Cục Hải quan TP. HCM cho rằng, 15 ngày đầu tiên của tháng 1.2019, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh khiến cán cân thương mại chênh lệch cao.
15 ngày đầu tiên của tháng 1.2019, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh khiến cán cân thương mại chênh lệch cao. |
Cụ thể, trong 15 ngày đầu năm, cả nước đã nhập 6.362 ô tô, tổng trị giá đạt gần 158 triệu USD. Đồng thời, trong thời gian này còn có 2 nhóm hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu lớn đó là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch đạt lần lượt 1,821 tỉ USD và 1,613 tỉ USD.
Đại diện Cục Hải quan TP. HCM cũng cho biết thêm, giai đoạn cận Tết Nguyên đán hàng năm, hoạt động nhập khẩu hàng hóa thường tăng mạnh nhằm mục đích phục vụ hàng hóa dịp Tết. Thêm vào đó, động thái nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu trong chiến lược đầu tư mở rộng, dự trữ nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sau tết của các doanh nghiệp cũng tăng mạnh.
Ở chiều ngược lại, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu tiên của năm 2019 vẫn đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện thoại và linh kiện, máy vi tính....
Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực đã giảm mạnh, như: Nhóm hàng điện thoại trong nửa tháng đầu năm chỉ đạt 1,293 tỉ USD, sụt giảm đến hơn 800 triệu USD so với hơn 2,1 tỉ USD của cùng kỳ năm 2017, Nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng bị sụt giảm khoảng 50 triệu USD so với cùng kỳ...
Đây cũng là lý do chính khiến trị giá xuất khẩu cả nước bị sụt giảm, tác nhân chính khiến giá trị hàng hóa của Việt Nam nhập siêu cả tỉ USD chỉ trong 15 ngày đầu tiên của năm 2019.
Bên cạnh đó, Việt Nam xuất siêu sang các thị trường lớn và hiện đại như Mỹ, EU, Nhật Bản nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường châu Á. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề mà chúng ta chưa khắc phục được. Trong khi đó, kỳ vọng về nhập siêu của Việt Nam được đặt ở các công nghệ, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất trong nước thay vì nguyên vật liệu cho gia công.
Theo các chuyên gia, nhập siêu có thể trở lại trong năm 2019. "Nhưng nhập siêu quá nhiều phản ánh nền kinh tế chủ yếu là tiêu dùng, không có đủ tích lũy cho đầu tư". Nhập siêu nhiều sẽ tác động đến thị trường ngoại tệ, giảm dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng tới mục tiêu lạm phát và đời sống người dân.