Việt Nam nhập khẩu 90% máy móc thiết bị y tế
Thị trường này đã vượt hơn 1,1 tỉ USD doanh thu vào năm ngoái, so với con số khoảng 950 triệu USD của năm 2016, đó là chia sẻ của ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội trang thiết bị y tế TP.HCM trong cuộc họp công bố Triển lãm Quốc tế chuyên ngành dược phẩm và trang thiết bị y tế VIETNAM MEDI PHARM EXPO được tổ chức lần thứ 18 tại TP.HCM từ ngày 2 – 4.8.2018.
Triển lãm dự kiến sẽ thu hút sự tham dự của 350 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội chợ năm nay tăng 20% so với năm 2017. Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản... là những nhà cung cấp đã lên kế hoạch mở các cụm gian hàng lớn.
Theo thông tin công bố năm 2012 của Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ Y tế, quy mô thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, tương đương 6 USD trên đầu người. Thời điểm đó, mức tăng trưởng vào khoảng 11-12%. Tuy nhiên, sau đó tốc độ phát triển của thị trường đã nhanh hơn dự đoán. Năm 2016, tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam là 950 triệu USD. Đến năm 2017, con số này tăng lên 1,1 tỉ USD.
Hưởng lợi chính từ sự nhộn nhịp này là các nhà sản xuất trang thiết bị y tế nước ngoài. Bởi thị trường trong nước hiên nay gần như không sản xuất được. Sản xuất trong nước chiếm từ 1,5-2% tổng thị phần trong nước. Ông Doãn, cho biết các thiết bị nhập khẩu chủ yếu tập trung vào máy cộng hưởng từ, máy CT, máy siêu âm, X-Quang, thiết bị phòng mổ, theo dõi bệnh nhân, thiết bị khử khuẩn, nội soi, xét nghiệm, xử lý chất thải y tế,... tỉ lệ chiếm 30% sản lượng nhập khẩu.
Thị trường chính gồm, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc và Singapore. Trong đó, "cuộc đua tam mã" thuộc về Mỹ, Đức và Nhật Bản. Mĩ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore chiếm 55% thiết bị y tế nhập khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao sẽ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn ở thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Riêng TPHCM, từ nay đến 2020 ước tính sẽ đầu tư chừng 900 triệu USD để nâng cấp trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Ông Doãn nhận định, kinh tế trong nước đang tăng trưởng nhanh thì thị trường này sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó, ông dự báo trong những năm tới thị trường trang thiết bị tế Việt Nam sẽ tăng lên hơn 20% mỗi năm.
"Bộ Y tế đã có chủ trương nâng cao năng lực sản xuất trang thiết bị y tế trong nước từ 20 năm trước nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện chỉ khoảng 50 doanh nghiệp nội địa lớn, nhưng chủ yếu là sản xuất giường, tủ y tế. Những phân khúc máy móc cao cấp hơn thì hợp tác lắp ráp cho đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc", ông Doãn nói rằng tỷ lệ nội địa hóa ngành này còn thấp hơn sản xuất ôtô ở Việt Nam.
Bệnh viện công, vốn chiếm 70% thị phần tiêu thụ, vẫn là khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất này. Ba nhóm khách còn lại bao gồm bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài, bệnh viện tư và các viện nghiên cứu, trường đại học.
Vốn đầu tư từ nhà nước sẽ tiếp tục chiếm vai trò quan trọng và bệnh viện công sẽ có xu hướng tự chủ nhiều hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cho đầu tư trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, tháng 5 năm ngoái, một kết quả của Kiểm toán Nhà nước, cho biết công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 tại một số cơ sở khám chữa bệnh có nhiều lãng phí. Nhiều thiết bị không dùng hết công năng, một số lại có mức giá chênh lệch so với giá thực tế. Có trường hợp gây thiệt hại 10,77 tỉ đồng ngân sách nhà nước.