Việt Nam muốn tiếp tục vay ODA
Thông tin nêu trên được ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chia sẻ ngày 25/10 tại cuộc họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính. Theo ông Hải, trong đợt xem xét hằng năm vào tháng 7/2017 tới, Ngân hàng Thế giới sẽ quyết định Việt Nam và một số nước khác có còn được tiếp tục sử dụng vốn vay ưu đãi hay không. Lần này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ không thuộc nhóm được vay ODA nữa.
"Nếu vậy, Việt Nam sẽ phải chuyển sang sử dụng chủ yếu nguồn vay ít ưu đãi hơn và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. ODA đã vay sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%”, ông Hải thông tin.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đang tích cực vận động các nhà tài trợ để Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm IDA - nhóm các quốc gia được vay vốn ODA. “Mặc dù vậy, Việt Nam cũng không thể vay mãi được. Có lúc chúng ta sẽ phải tốt nghiệp”, ông nói.
Thực tế từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi khi vay từ các đối tác phát triển đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng 30-40 năm, hiện Chính phủ đã phải vay thời hạn 10-25 năm. Chi phí vay cũng khoảng 0,7-0,8% một năm.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết trách nhiệm của cơ quan này hiện là xây dựng kế hoạch vay và trả nợ, trong đó có việc xây dựng kịch bản đối với trường hợp dừng các khoản vay ODA. Khi đó, WB vẫn sẽ cho phép Việt Nam đưa ra những phương án xử lý linh hoạt.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 năm (2005-2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD. Nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay bình quân mỗi năm của Việt Nam là khoảng một tỷ USD.
Nguồn VnExpress