Việt Nam: Mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Theo số liệu từ Hiệp hội thương mại quốc tế của Hàn Quốc (KITA), bất chấp việc tổng kim ngạch xuất khẩu ra nước ngoài của nước này trong 10 tháng đầu năm đã giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thì riêng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam lại tăng đến 27,8%.
Các số liệu thống kê đều cho thấy Việt Nam hiện đang trở thành một đối tác thương mại quan trọng, đồng thời là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với Hàn Quốc trong bối cảnh lực cầu trên toàn thế giới sụt giảm.
Nhiều nhà phân tích của Hàn Quốc nhận định nhiều khả năng xuất khẩu của nước này sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong năm 2016. Hiện tại Việt Nam đã bắt kịp với Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ tư của các công ty Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Hồng Kông.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc qua Việt Nam trong năm 2015 đạt giá trị cao nhất - Ảnh: Korea Herald |
Xét riêng về số liệu của Bộ Tài chính Hàn Quốc cho thấy dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã tăng 51,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, mức tăng này cao hơn 3 lần so với mức tăng 17% của tổng vốn đầu tư ra nước ngoài trong cùng kỳ.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc trong năm nay đã giảm 10,5% do chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sụt giảm tăng trưởng kinh tế tại nước này.
Nhiều chuyên gia cho rằng các công ty Hàn Quốc sẽ dễ tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Với tổng dân số là 92 triệu người, trong đó có 60% người dân dưới độ tuổi 30, Việt Nam sẽ là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển.
Do đó, ông Heo Yoon, chủ nhiệm khoa kinh tế quốc tế của trường Đại học Sogang tại Seoul nhận định hiệp định FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam nên được phê chuẩn kịp thời. Điều này là cần thiết cho Hàn Quốc trước các làn sóng thay đổi trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, việc Việt Nam hiện đang là thành viên tham gia Hiệp định TPP được xem là yếu tố tạo thuận lợi cho Hàn Quốc xin gia nhập khối này trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Hàn đang cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng đưa ra lời cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc qua Việt Nam có thể sẽ giảm xuống trong dài hạn, vì nhiều nhà sản xuất của nước này đang từng bước chuyển các giai đoạn sản xuất hàng hóa khâu trung gian sang các nước khu vực Đông Nam Á. Những nhà phân tích này cũng cho biết thêm xu hướng này sẽ được xúc tiến nhanh hơn nữa khi chính phủ Việt Nam mở cửa chính sách về đầu tư nước ngoài.
Cũng nhận định về điều này, ông Park Sol, hiện đang làm việc tại Viện Thương mại quốc tế liên kết với KITA, đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa hàng hóa tiêu dùng sang Việt Nam. Lý giải cho điều này ông cho rằng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang ngày một lớn mạnh, đi kèm với sự tăng trưởng kinh tế trong một vài năm gần đây. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày một chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm nước giải khát, thực phẩm và mỹ phẩm, với mức tăng trưởng hơn 20% mỗi năm.
Thêm vào đó, sự thâm nhập sâu rộng của văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam, nhất là trong giới trẻ, là một bước đệm thuận lợi cho các doanh nghiệp nước này gia tăng sự hiện diện trên thị trường tiêu dùng tại Việt Nam.
Tuệ Nghi
Nguồn The Korea Herald