Việt Nam lợi nhất khi Trung Quốc bỏ sản xuất giá rẻ
Theo giới phân tích, nước được lợi lớn nhất từ việc Trung Quốc chuyển lên trong chuỗi giá trị có lẽ là Việt Nam. Và chịu thiệt hại lớn nhất có thể là Hàn Quốc.
Hàn Quốc bị tác động theo 2 hướng. Một là, khi doanh nghiệp Trung Quốc cập nhật công nghệ tiên tiến hơn, họ sẽ bắt đầu sản xuất những linh kiện có giá trị gia tăng cao mà hiện phải nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc.
Thứ hai, Hàn Quốc là nước xuất khẩu truyền thống rất nhiều mặt hàng công nghệ cao mà Trung Quốc đang lấn sân. 5 năm qua, các công ty Hàn Quốc đã dần mất thị phần về tay nước láng giềng trong các mảng như điện thoại di động, TV màn hình phẳng.
Gareth Leather - nhà kinh tế học cấp cao khu vực châu Á tại Capital Economics nhận xét số ngành bị ảnh hưởng sẽ còn tăng khi Trung Quốc tiếp tục phát triển sản xuất. "Đến nay, mới có các hãng điện tử Hàn Quốc chịu ảnh hưởng. Nhưng sự thay đổi mới chỉ bắt đầu. Các hãng xe Trung Quốc cũng đang hoạt động khá tốt tại các thị trường mới nổi. Và việc này sẽ khiến hãng xe Hàn Quốc dần mất thị phần", ông cho biết.
Danh sách các địa điểm thay thế Trung Quốc trong khảo sát của Standard Chartered. Biểu đồ: FT |
Trung Quốc đang chiếm thị phần rất nhanh trong ngành đóng tàu. Những năm gần đây, các công ty nước này đã ăn mòn thị phần của Nhật Bản, và vượt Hàn Quốc để chiếm ngôi hãng đóng tàu lớn nhất thế giới. Hãng môi giới Clarksons cho biết quý I năm nay, Trung Quốc giành gần nửa số đơn đóng tàu mới toàn cầu. Trong khi Hàn Quốc chỉ được gần 7,4%.
Trong khi đó, các nước có khả năng hưởng lợi từ việc Trung Quốc chuyển dần lên trong chuỗi giá trị đang tích cực tận dụng cơ hội này. Capital Economics cho biết các quốc gia như Bangladesh, Sri Lanka và Việt Nam có lương công nhân trung bình là 100 - 200 USD, thấp hơn hẳn so với Trung Quốc - 420 USD.
Standard Chartered đã thực hiện khảo sát thường niên với các hãng sản xuất tại Đồng bằng Châu Giang (Trung Quốc) - nơi tập trung nhiều thành phố đông dân cư như Quảng Châu, Thâm Quyến và Đông Hoản. Theo đó, 290 công ty cho rằng nguồn cung lao động năm nay sẽ giảm đi, vì dân số Trung Quốc đang già hóa.
Họ cũng dự báo lương nhân công sẽ tăng 7,7% năm nay. Tốc độ này 2 năm trước lần lượt là 7,8% và 8,1%. Và khi kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, lợi nhuận của các công ty được dự báo giảm 6,1% năm nay.
Vì thế, 30% cho biết muốn chuyển sản xuất sang nơi khác. Trong đó, 17% muốn chuyển sang địa điểm khác cũng thuộc Trung Quốc. Nhưng tỷ lệ này đã giảm từ 20% năm ngoái. Và 13% muốn chuyển sang nước ngoài, tăng so với 9% năm 2013.
Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước láng giềng. Biểu đồ: FT |
Các công ty cho biết tiêu chí cân nhắc là nguồn cung lao động tốt hơn (cả về số lượng và chất lượng) và các lợi ích khi hoạt động trong khu vực thương mại tự do. Việt Nam và Campuchia là những ứng cử viên nổi bật cho việc chuyển địa điểm.
Các hãng sản xuất kỳ vọng tiết kiệm được 20-25% khi chuyển sản xuất sang nước ngoài. Và Bangladesh được cho là lựa chọn rẻ nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam lại vượt trội các đối thủ tiềm năng, cả về nguồn cung lao động, ưu đãi thuế, các chi phí kinh doanh khác ngoài lương, triển vọng kinh tế, sự gần gũi khách hàng và các hiệp định thương mại tự do.
"Đông Nam Á, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới khi Trung Quốc tiếp tục chuyển dịch lên nền kinh tế phụ thuộc vào dịch vụ", Chidu Narayanan - nhà kinh tế học tại StanChart nhận xét.
Ngoài lợi ích rõ ràng nhất là về lao động giá rẻ, Đông Nam Á còn có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và "tầng lớp trung lưu đang tăng". Việc này giúp các hãng sản xuất còn có thể tiếp cận thị trường tiêu dùng "lớn và đang mở rộng" tại đây.
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam chính là nước hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này, do nhân công rẻ, có trình độ, dân số thuộc độ tuổi lao động lớn và đang tăng. Tầng lớp trung lưu cũng ngày càng mở rộng nữa", Narayanan nhận xét.
StanChart cho rằng để tận dụng tối đa cơ hội, Đông Nam Á cần cải thiện cơ sở hạ tầng và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dù vậy, con đường này cũng không hề dễ dàng khi việc sử dụng robot ngày càng phổ biến.
"Công nghệ là thách thức lớn nhất của khu vực này nếu muốn trở thành một trung tâm sản xuất. Những công việc cần kỹ năng thấp, lặp đi lặp lại sẽ được thay thế bằng các máy móc đã được lập trình và tiến bộ kỹ thuật", Narayanan kết luận.
Nguồn Vnexpress