Thống kê của WTO cũng cho thấy trị giá xuất khẩu của 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu ở mức 378 tỉ USD, giảm mạnh so với 411 tỉ USD hồi năm 2019. Ảnh: TL.
Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng may mặc và gỗ lớn thứ 2 thế giới
Theo đánh giá thống kê thương mại thế giới năm 2020 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam chiếm 6,4% thị phần hàng may mặc xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2020, tăng từ 6,2% vào năm 2019. Trong khi đó, thị phần của Bangladesh giảm từ 6,8% năm 2019 xuống 6,3% năm 2020.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam và Bangladesh đều giảm trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, xuất khẩu của Bangladesh giảm mạnh hơn về 28 tỉ USD. Trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 29 tỉ USD.
Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu thế giới với trị giá 142 tỉ USD. Thị phần của nước này tăng từ 30,8% trong năm 2019 lên 31,6% năm 2020.
Trị giá xuất khẩu của 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu ở mức 378 tỉ USD, giảm mạnh so với 411 tỉ USD hồi năm 2019. Ảnh: WTO. |
Thống kê của WTO cũng cho thấy trị giá xuất khẩu của 10 quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu ở mức 378 tỉ USD, giảm mạnh so với 411 tỉ USD hồi năm 2019.
Tờ Dhaka Tribune của Bangladesh cho rằng, Việt Nam vượt Bangladesh nhờ tập trung vào đa dạng hóa sản phẩm. Đất nước cũng hưởng lợi nhờ việc ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu vào tháng 6.2019.
Theo giáo sư Mustafizur Rahman, thành viên của Trung tâm Đối thoại chính sách Bangladesh (CPD), Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh vào năm ngoái. Trong khi đó, các nhà máy của Bangladesh phải đóng cửa một thời gian dài vì dịch bệnh. Cũng theo ông, Việt Nam đang vượt xa Bangladesh về năng suất lao động, năng suất vốn và đa dạng hóa.
Ngoài ngành dệt may, đầu năm nay, ngành gỗ cũng có thành tích xuất sắc khi trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thứ 2 thế giới sau Trung Quốc.
Cụ thể, tại buổi giới thiệu về sự kiện “Vietnam Furniture Matching Week", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng tổng kết năm 2020, ngành gỗ lại ghi nhận thêm một năm toàn ngành đạt thành tích rất đáng khích lệ, khi kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỉ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.
Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý và chỉ đứng sau Trung Quốc trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới trong năm 2020. Ảnh: tongcucthongke |
Đây cũng là năm Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý và chỉ đứng sau Trung Quốc trong top các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới, theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu công nghiệp.
Hiện tình hình đơn hàng xuất khẩu với doanh nghiệp ngành này đang có chiều hướng tăng lên, đáng chú ý là thị trường Mỹ. Ông Phương cho biết, đến năm 2021, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỉ USD, ngành cần chú trọng đến các chỉ số quan trọng khác như năng suất lao động, giá trị sản phẩm, các yếu tố phát triển bền vững về xã hội và môi trường.
Cũng phải nói thêm, đây là những thành tích trong năm 2020, khi dịch bệnh chưa bùng phát và gây ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều tỉnh thành, cả TP.HCM vốn là trọng điểm kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên vị trí này liệu có lặp lại trong 2021?