Việt Nam là một thị trường có nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển đầu tư này. Ảnh: Quý Hòa.
Việt Nam là "đại bản doanh" trong làn sóng dịch chuyển nhà máy của doanh nghiệp dệt may
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thực chất bắt đầu từ trước thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, tuy nhiên quá trình này diễn ra nhanh hơn kể từ khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát. Việt Nam đang là một trong những thị trường được nhiều “ông lớn” lựa chọn.
Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Bởi, thời gian qua, các doanh nghiệp này không ngừng mở rộng quy mô, cùng với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực dệt may cũng chọn thị trường Việt Nam vì lợi thế giá nhân công, tay nghề lao động, vận chuyển, chính sách...
Theo các chuyên gia, rất khó để biết được có bao nhiêu công ty đang có ý định dịch chuyển sang Việt Nam. Nguyên nhân là do những công ty này thường giữ kín động thái để tránh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với chính phủ và nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã khảo sát, tìm hiểu việc đầu tư chuỗi sản xuất vào Việt Nam.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng trước đây Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc được xem là những "cường quốc" dệt may hàng đầu thế giới. Bây giờ các nước và vùng lãnh thổ này đang giảm dần sản xuất lĩnh vực này.
Các nhà đầu tư trong ngành dệt may các nước đã nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa. |
"Do đó, việc chuyển dịch sản xuất sang các nước khác là điều tất yếu", ông Giang phân tích, và ông cho rằng không xảy ra dịch họ cũng dịch chuyển và COVID-19 càng thúc đẩy việc dịch chuyển nhanh hơn. Việt Nam là một thị trường có nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các nước sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự dịch chuyển đầu tư này", ông Giang nói.
Trên thực tế sự dịch chuyển này đã xảy ra. Không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc mà sự dịch chuyển này còn đến từ các nước như Ý, Đức và thậm chí là của nước Nga xa xôi, điều mà những người làm trong ngành này trước đây không hề nghĩ tới, ông Giang nói.
Hiện nhà máy dệt may của Ý đã nhanh chân rót vốn đầu tư tại cụm sản xuất quy mô lớn từ sợi - dệt - nhuộm - may ở huyện Phù Cát tỉnh Bình Định và dự án nhà máy dệt ở Khu Công nghiệp Phố Nối (tỉnh Hưng Yên). Nhà máy của Ý rất đẹp và hiện đại. Cũng theo ông Giang, các nhà máy của nước ngoài vào Việt Nam đã cung cấp rất lớn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp may.
Một lưu ý nữa là sản xuất chỉ trước đây chủ yếu là đầu tư của Hàn Quốc nhưng giờ đây Việt Nam đã có tất cả các nhà máy sản xuất chỉ của các nhà đầu tư thuộc 5 nước có ngành sản xuất chỉ hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy các nhà đầu tư trong ngành dệt may các nước đã nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam, ông Giang nói.
"Cho nên cái dòng dịch chuyển đầu tư từ nay đến năm 2025 sẽ rất nhanh nhất là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực", ông Giang dự báo và cho rằng sự dịch chuyển dòng đầu tư này sẽ càng nhanh sau khi đại dịch được kiểm soát.
Khi các nhà máy chuyển dịch đến Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỉ trọng nội địa hóa, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các Hiệp định mang lại.
Hiện tại Việt Nam chỉ đáp ứng nội địa từ 47-48%, và với sự gia tăng dịch chuyển đầu tư của các nước thì ngành có thể đạt 67-68% trong thời gian tới. Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất thoát khỏi làm gia công theo đơn đặt hàng. Theo ông Giang trên thực tế tỉ trọng doanh nghiệp trong ngành dệt may trong nước làm thuần gia công đã giảm nhiều, chuyển dần sang làm FOB hay OEM...
Các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó về đơn hàng. Chỉ một số doanh nghiệp nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9, các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng. Ngành dệt may cũng đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu so với đầu năm, từ 40 tỉ USD xuống đạt 32-32,5 tỉ USD vì lo ngại COVID-19. "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của thị trường trong 3 tháng cuối năm như thế nào để tính toán tiếp", ông Giang nói.