Việt Nam là 1 trong 3 thị trường triển vọng nhất châu Á - Thái Bình Dương
Theo báo cáo quý mới nhất của Ernst & Young phối hợp với Trung tâm Oxford Economics thực hiện về “Dự báo triển vọng các thị trường tăng trưởng nhanh" (Rapid-Growth Markets Forecast), khu vực các thị trường này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,3% trong năm nay và sẽ đạt mức 6,3% năm 2013.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 3 thị trường được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng đứng đầu vào năm 2013 bao gồm Ấn Độ (+8,5%), Trung Quốc và Hong Kong (+8,6%) và Việt Nam (+7,1%).
Đối với Việt Nam, các chuyên gia phân tích nhận định, trong năm 2012, Việt Nam tăng trưởng ở mức trung bình, trong khi đó nguy cơ gia tăng lạm phát vẫn còn.
Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dưới 6% vào quý IV, kết thúc năm 2011, tăng trưởng trung bình cả năm 2011 là 5,9%. Mức tăng trưởng này là tương đối tốt trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu nhiều khó khăn như: cắt giảm ngân sách, lãi suất ngân hàng tăng, và lạm phát cao.
Nửa đầu năm 2012 có một số biến chuyển nhỏ khi các thị trường Châu Âu vẫn còn chưa phục hồi và lạm phát tiếp diễn làm chậm lại quá trình nới lỏng các chính sách tiền tệ. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn mức dự báo năm 2011 nhưng nhập khẩu tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc giảm giá đồng nội tệ làm kéo dài lạm phát hơn là giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.
“Điều này sẽ tăng cưởng quyết tâm của Chính phủ trong việc giữ giá đồng nội tệ năm 2012-2013. Đồng thời nhu cầu tăng cường dự trữ ngoại hối để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ hạn chế khả năng hạ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực để tín dụng tăng trưởng ở mức mục tiêu, đồng thời kiểm soát và hạn chế cho vay đầu cơ”, báo cáo của Ernst & Young cho hay.
Cũng theo Ernst & Young, mặc dù mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi và vượt mục tiêu 6,5% ở trung hạn khi khủng hoảng ở Châu Âu đã lắng xuống nhưng rủi ro đối với tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn đáng lo ngại. Giá trị của đồng nội tệ có thể không đạt được như dự đoán nếu tiến trình giảm lạm phát và thâm hụt tài khóa, thâm hụt thương mại chậm hơn dự báo, bên cạnh các vấn đề quan ngại về an ninh khu vực, có thể tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng cho rằng, Việt Nam, cùng với các thị trường khác như Mexico và các nước Châu Phi là những quốc gia có lao động giá rẻ, có thể sẽ thu hút những doanh nghiệp nước ngoài hiện đang sản xuất tại Trung Quốc khi chi phí sản suất tại Trung Quốc tăng lên do tỉ lệ tăng lương 12% ở một số khu vực duyên hải của nước này.
Ông Gerard Dalbosco, Phó tổng giám đốc, phụ trách thị trường châu Á Thái Bình Dương của công ty Ernst & Young, cho biết “triển vọng tăng trưởng của các thị trường tăng trưởng nhanh vẫn rất mạnh mẽ, nhưng các công ty nếu muốn định vị tốt hơn thì cần xem xét các yếu tố khác tại các thị trường này như là hệ thống giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông; tiền lương và các chi phí sản xuất; chính sách tự do thương mại; chính sách quản lý tiền tệ; chuyển giao công nghệ; các đối tác sản xuất và đầu tư; cơ hội mua bán và sát nhập; chất lượng các dịch vụ tài chính và chính sách chi tiêu mua sắm của chính phủ”.
Nguồn NDHMoney