Thứ Sáu | 12/09/2014 11:13

"Việt Nam không nên giấu nợ xấu dưới tấm thảm đẹp"

Những món nợ xấu của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó dù thủ tục, điều kiện… cho việc mua nợ xấu rất khó khăn.
Đây là thông tin được chia sẻ tại hội thảo "Gateway to Vietnam" do SSI tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 11-12/9.

Ông Darryl James Dong, chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á của công ty Tài chính quốc tế (IFC), cho biết: "Chúng tôi rất quan tâm nợ xấu. Cả đời tôi chưa làm gì khác ngoài xử lý nợ xấu. Nợ xấu thì ngân hàng nào cũng có và ngay cả thời điểm thịnh vượng cũng có nợ xấu. Việt Nam không nên giấu nợ xấu dưới một tấm thảm đẹp vì như thế sẽ làm trì hoãn nền kinh tế. Vấn đề xử lý nợ xấu không phải một lần là dứt điểm mà nó là cả một quá trình".

Nợ xấu xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Cần phải có hành động mạnh mẽ, tự tin để kích hoạt tăng trưởng trở lại. Nhật Bản đã từng đối mặt với vấn đề nợ xấu lớn và khi giải quyết đống nợ xấu này họ đã mất 30 năm tăng trưởng.

Việt Nam đang xử lý nợ xấu qua VAMC là khởi đầu tốt nhưng chưa đủ, cần phải có những kế hoạch cho những bước đi cụ thể, chi tiết hướng dẫn rõ ràng và sửa đổi luật.

Tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư để giải quyết những khoản nợ xấu giống như những con cá kình, họ vào và đi ngay. Việt Nam cần phải có những giải pháp dài hạn và chấp nhận rủi ro, phải có chính sách, luật để nước ngoài nhìn vào thấy ổn thỏa thì họ sẵn sàng đổ vốn vào đây.

Việt Nam hiện vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm người nước ngoài có được mua nợ xấu không, tỷ lệ người nước ngoài được mua bao nhiêu nợ xấu, họ mua nợ xấu là bất động sản rồi có bị thu hồi lại hay không…

Đây là thời điểm vàng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào để giảm nợ xấu cho Việt Nam.

Hiện ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC phải chịu đến 2 lần lỗ khi VAMC chỉ mua với giá 70% giá thị trường là tối đa, sau khi bán ngân hàng còn phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu đó là 20% mỗi năm. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, vậy ai là người gánh chịu khoản lỗ này? Đó là Chính phủ sẽ chịu một phần và người đi vay phải chịu một phần.

Nợ xấu của Việt Nam cũng giống như các thị trường tài chính trên thế giới, nhưng có điểm khác ở chỗ nợ xấu của khối DN Nhà nước rất lớn và rất phức tạp.

Do vậy, chúng ta cần phải giải quyết hai vấn đề cơ bản là phải tăng quyền lực cho VAMC như cơ chế mà các nước trên thế giới đã làm. VAMC được phép phát mãi tài sản của khoản nợ xấu đó mà không cần xin ý kiến vì chờ sửa luật rất mất thời gian.

"Quan niệm của tôi là bán nợ xấu theo giá thị trường. Vấn đề vướng mắc là định giá khoản nợ xấu đó thế nào khi Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ. Theo tôi khi bán nợ xấu cần phải định giá lại khoản nợ xấu đó. Chẳng hạn, Hàn Quốc khi xử lý nợ xấu thu hồi được 45% giá trị, Trung Quốc thu hồi được 25% giá trị và Malaysia thu hồi được 35% giá trị khoản nợ xấu đó", TS. Lực cho biết.

Còn TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu TP.HCM, cho rằng vấn đề khó nhất hiện nay là tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn tốc độ phát sinh nợ xấu. Nợ xấu gắn liền với bất động sản trong khi rất nhiều dự án bất động sản dang dở đang nằm đắp chiếu vì không có tiền.

Quy định của Việt Nam hiện nay đang khó khăn cho giải quyết nợ xấu khi người vay nợ không chịu ký vào tài sản đảm bảo đã thế chấp là nhà, đất để vay vốn nên ngân hàng không thể bán được dù cầm sổ đỏ trong tay, nên việc xử lý nợ xấu cứ kéo dài lê thê.

Chưa kể có những trường hợp người vay đã thế chấp nhà ở cho ngân hàng nhưng khi không trả được nợ, ngân hàng phát mãi căn nhà thì họ cũng rời căn nhà đó nên ngân hàng cũng rất khó xử lý vì là án dân sự.

Một cách khai thông thị trường bất động sản cũng như "giải" món nợ xấu đó là việc sửa Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản nên mở theo hướng cho người nước ngoài mua bất động sản Việt Nam để chuyển nhượng những dự án đang "đắp chiếu" trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào.

Bên cạnh đó, khai thông cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng có điều kiện để giải phóng những căn hộ cao cấp đang ế đọng vì nhu cầu trong nước không thể đáp ứng được.

VAMC xử lý nợ xấu không nhất thiết phải "tay không bắt giặc".

Nguồn CafeF/Infonet


Sự kiện