Việt Nam khó trở thành nước công nghiệp vào năm 2020
Tuy nhiên, nửa chặng đường của kế hoạch 5 năm 2011-2015 cho thấy khả năng đạt được nhiều mục tiêu đề ra là mong manh. Phần lớn các chỉ tiêu quan trọng nhất như các chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng và việc làm, lạm phát và ngân sách đều có khả năng không đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá, chỉ tiêu về GDP được quan tâm nhiều. Nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình lại suy giảm và kế hoạch tăng trưởng nhiều lần phải điều chỉnh. Mục tiêu trong 5 năm 2011-2015 là duy trì tăng trưởng từ 7-7,5% (sau đó giảm xuống còn 6,5-7%), mặc dù đã thấp hơn so với kế hoạch 5 năm trước (7,5-8%) nhưng việc thực hiện trong 2 năm 2011 -2012 lại thấp hơn nhiều.
"Nền kinh tế việt nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm dài nhất từ khi đổi mới. Ước tính giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng chỉ đạt dưới 6%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch" - GS.TS Trần Thọ Đạt dự báo.
Tương tự như kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu về lạm phát được Chính phủ điều chỉnh nhiều lần trong thời gian vừa qua. Mặc dù kể từ năm 2012, lạm phát giảm xuống, nhưng đây vẫn là mức cao nhất so với các nước ASEAN-5. Như vậy, trong khi tăng trưởng các nước trong khu vực đang có xu hướng gia tăng nhưng vẫn giữ được mức lạm phát thấp thì Việt Nam đối diện với tăng trưởng suy giảm liên tục nhưng lạm phát lại cao.
Tính trung bình cả giai đoạn 2011-2015, chỉ tiêu về lạm phát dự kiến cao hơn con số mục tiêu đặt ra trong cả giai đoạn (dự tính lạm phát 2011-2015 tăng 9,2%, trong khi mục tiêu đặt ra là 7%).
Một trong những lí do khiến tăng trưởng giảm là suy giảm của tổng vốn đầu tư/GDP. Đây là một trong những điều đáng lo ngại. Giai đoạn 2006-2010, vốn đầu tư xã hội/GDP thực tế là 42,7%, vượt quá kế hoạch 40% thì trong những năm tiếp theo, tỉ trọng này đã giảm nhanh (còn 33,3% năm 2011 và 30,5% năm 2012).
"Đây là mức giảm quá nhanh và bất ngờ" - GS.TS Trần Thọ Đạt nói.
Theo chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, cần điều chỉnh lại chỉ tiêu kế hoạch 5 năm bởi vì nhiều mục tiêu không ổn, cần đưa ra mục tiêu hợp lí hơn.
Xuất phát từ tình hình kinh tế thời gian qua, theo GS.TS Trần Thọ Đạt, cần sớm điều chỉnh lại mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng: Chúng ta nên lùi mục tiêu này sang 15-20 năm nữa, tức vào khoảng năm 2035-2040. Bởi vì mục tiêu thành nước công nghiệp vào năm 2020 ngày càng xa và rất khó đạt được.
Dù chúng ta không đưa ra tiêu chí cụ thể để lượng hóa mục tiêu thành nước công nghiệp, nhưng khi xếp hạng các nước thành nước công nghiệp, người ta dựa trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người.
GS.TS Trần Thọ Đạt phân tích: "Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hện nay là 1.800 USD, giả định 7 năm tới thu nhập này tăng lên 4000 USD thì Việt Nam vẫn nằm trong ranh giới các nước có thu nhập trung bình thấp. Một nước trung bình thấp thì không thể gọi là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, muốn gia nhập các nước công nghiệp thì thu nhập phải 10.000 USD. Cho nên sau năm 2020, Việt Nam phải mất thêm 15-20 năm nữa mới có thể thành nước công nghiệp".
Nguồn Báo Hải quan Online