Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa
Ngày 08/1/2015, trong buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên có liên quan đến tình hình đang diễn ra trên Biển Đông.
Về việc gần đây giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang di chuyển trên biển Đông, bà Hằng cho biết:
“Nhiệm vụ của các lực lượng chức năng của Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Là một nước thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế, góp phần vào công việc chung vì hoà bình, ổn định, tư do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).”
Bà Hằng cũng khẳng định, “chúng tôi sẽ kiên quyết đấu tranh đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”.
Về việc ngày 6/1, Trung Quốc ngang nhiên thành lập trái phép 4 Ban vũ trang nhân dân ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, bà Hằng nhấn mạnh:
“Một lần nữa chúng tôi xin khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Về việc Trung Quốc mới đây lần đầu tiên công bố hình ảnh hoạt động quân sự trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định, lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi đề cập rất nhiều lần. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà Hằng nhấn mạnh, việc làm này của phía Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông và không thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với 2 quần đảo này.
Nguồn Báo Điện tử CP