Công nhân Khu chế xuất Linh Trung tan ca. Ảnh: Quý Hòa
Việt Nam hướng tới luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế
Việt Nam sẵn sàng xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới cho nền kinh tế thị trường
Dự án “Thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động” (NIRF) chính thức được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam khởi động hôm 9.11.
Dự án trị giá 4,3 triệu USD được hỗ trợ về tài chính bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ và Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Các đối tác thực hiện khác của dự án bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Kỳ vọng luật hóa
Dự án NIRF đặt mục tiêu xây dựng nền tảng về pháp luật và thiết chế hiệu quả cho khung khổ quan hệ lao động mới ở Việt Nam dựa trên Tuyên bố năm 1998 về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động của ILO phù hợp với bối cảnh quốc gia.
Thông qua dự án, Việt Nam sẽ có được hệ thống pháp luật lao động quốc gia và các công cụ pháp lý phù hợp với Tuyên bố 1998 của ILO, một hệ thống quản trị lao động hoàn thiện hơn hơn cho khung khổ quan hệ lao động mới đó, một cơ quan thanh tra lao động hiệu quả hơn thực thi và thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động, và chức năng đại diện người lao động và người sử dụng lao động được tăng cường.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, ông Doãn Mậu Diệp, việc triển khai dự án NIRF sẽ đóng góp quan trọng giải quyết những tồn tại của hệ thống quan hệ lao động hiện nay, trên cơ sở đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Diệp cũng chỉ ra những bất cập cần khắc phục bao gồm pháp luật lao động chưa phù hợp với tiêu chuẩn của ILO, trong khi quản lý Nhà nước về quan hệ lao động còn nhiều hạn chế, từ phổ biến pháp luật đến thanh tra và giám sát thực thi.
Theo Thứ trưởng Diệp, công đoàn chưa nâng cao hiệu quả hoạt động, chưa đáp ứng được yêu cầu đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, trong khi tổ chức đại diện người sử dụng lao động gặp thách thức trong việc hiện đại hóa hoạt động để hỗ trợ thành viên tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam kỳ vọng dự án giúp Việt Nam sớm luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Thách thức sẽ được giải quyết
Theo ILO, đã đến lúc Việt Nam xây dựng một khung khổ quan hệ lao động mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo người lao động được chia sẻ công bằng thành quả lao động của họ.
Khung khổ mới này sẽ giúp Việt Nam giải quyết những thách thức về quan hệ lao động, với điển hình là hàng loạt các cuộc đình công tự phát kể từ giữa thập niên 90 đến nay. Khung khổ đó cũng hỗ trợ Việt Nam thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới - EU-Việt Nam FTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Việt Nam đang tiến tới nền kinh tế thị trường, theo ILO, Việt Nam cần pháp luật lao động hiện đại, các thiết chế quan hệ lao động cùng các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động vững mạnh hơn, và năng lực thực thi pháp luật tốt hơn, để có thể hưởng lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế.
“Việt Nam đang đi trên con đường đổi mới thông qua hội nhập quốc tế và tăng cường áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường hiện đại,” Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee, cho biết.
Nghị quyết Trung ương số 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 và Nghị quyết trung ương số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 đều chỉ ra những đường lối rõ ràng về việc Nhà nước sẽ giảm can thiệp vào quan hệ lao động, đồng thời cần thúc đẩy thương lượng tập thể và đối thoại làm phương thức chủ đạo quyết định các điều khoản và điều kiện trong lao động.
“Là một quốc gia thành viên của ILO, Việt Nam cam kết tôn trọng và thực thi các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1998,” TS Lee nói. Theo ông: “Các nguyên tắc này bao gồm đảm bảo quyền tự do lập hội và thúc đẩy thương lượng tập thể cho mọi người lao động và người sử dụng lao động, để họ có thể đàm phán các điều khoản và điều kiện lao động công bằng và cân bằng lợi ích giữa hai bên”.
Xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử trong lao động là những trụ cột khác tạo nên Tuyên bố năm 1998 – nền tảng cho các yêu cầu về lao động của các FTA thế hệ mới. Hiện 1/3 các hiệp định thương mại khu vực trên thế giới bao gồm các điều khoản về lao động liên quan đến những vấn đề này.
Một nghiên cứu của ILO trong năm 2016 cho thấy hiệp định thương mại có điều khoản về lao động giúp tăng trung bình giá trị thương mại thêm 28%, trong khi những hiệp định không có điều khoản về lao động chỉ giúp tăng trung bình 26%.
Do đó, để thực thi những nguyên tắc này, ILO cho rằng, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất tại Việt Nam. ILO đưa khuyến cáo này trong bối cảnh dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.