Sản xuất may mặc và giày dép hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng khỏi thị trường Trung Quốc. Ảnh: Quý Hòa
Việt Nam hưởng lợi từ "vòng vây thương mại Trung Quốc"
Khó khăn của Trung Quốc
Thời gian qua, chiến tranh thương mại luôn là tâm điểm chú ý của giới kinh doanh toàn cầu. Trong những diễn biến mới nhất, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang dường như ngày càng tăng nhiệt. Ông Trump đã đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Đáp lại lời đe dọa của ông Trump, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không đàm phán dưới áp lực và nền kinh tế số 2 thế giới có những động thái sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại lâu dài với Mỹ.
Quyết tâm buộc Trung Quốc phải nhượng bộ và thực hiện những cải cách trong cách điều hành kinh tế. Giờ đây, dường như ông Trump đang lên một kế hoạch mới, cụ thể ông đã thay đổi hoàn toàn chiến lược đấu tranh với tất cả thành làm bạn với tất cả trừ Trung Quốc.
Hiệp định Nafta sửa đổi giữa 3 nước Bắc Mỹ Mỹ-Mexico-Canada (hay USMCA) đặt ra một chướng ngại lớn với Bắc Kinh, vì nó có điều khoản ngăn Canada hay Mexico, kí hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế phi thị trường.
Theo giới phân tích quốc tế, điều khoản này thực tế sẽ chấm dứt bất kỳ sự liên minh nào giữa Canada và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada sau Hoa Kỳ - trong một thỏa thuận thương mại tự do tiềm năng.
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước lớn và thực tế rằng Trung Quốc luôn là công xưởng của thế giới trong nhiều năm qua, các thị trường thay thế như Đông Nam Á, như Việt Nam, là một lựa chọn.
Sản xuất hàng may mặc và giày dép, đã bắt đầu di chuyển ra khỏi Trung Quốc đến các nền kinh tế đang phát triển khác với chi phí lao động, năng lượng và chi phí cho thuê thấp hơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào cuộc chuyển dịch sản xuất này, khi mà mức thuế của Mỹ đã lấy đi của họ khả năng tạo ra lợi nhuận ở nhà.
Làm nổi bật lợi thế của Việt Nam
Việc Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung là điều không phải bây giờ mới được đề cập. Tuy nhiên, với chiến lược mới nhất của ông Trump, lợi thế của Việt Nam sẽ còn rõ rệt hơn nữa. Giới phân tích nói rằng ông Trump nhiều khả năng sẽ áp dụng những điều tương tự trong USMCA trong các hiệp định thương mại với Nhật Bản hay Liên minh Châu Âu.
Nếu như Trung Quốc chưa có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Nhật, Hàn Quốc thì Việt Nam dường như đã có gần hết. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc hồi sinh hiệp định thương mại tiến bộ và toàn diện Xuyên Thái Bình dương (CPTPP), điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam có quyền tiếp cận thị trường Canada, Nhật Bản, Úc vì những nước này cũng là các thành viên chủ chốt của CPTPP.
Việt Nam cũng có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc kể từ năm 2015. Mối quan hệ Việt Nam Hàn Quốc ngày càng gắn bó khi làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Lotte hay SK Group nhận thấy Việt Nam là một những mảnh đất lành để làm ăn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang vận động quốc hội các nước thuộc Liên minh Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – liên minh Châu Âu (EVFTA). Hiệp định này sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan ở mức cao nhất và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại thị trường chung Châu Âu.
Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những nước tích cực nhất trong việc mở rông giao lưu thương mại toàn cầu. Trong năm 2017, thương mại của Việt Nam trên GDP đạt hơn 200%. Đây là mức cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào có hơn 50 triệu người trong dữ liệu của Ngân hàng Thế giới kể từ năm 1960.
Việc Việt Nam đạt được nhiều hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Cổ phiếu của các công ty dệt may, thủy sản đều tăng giá mạnh trong thời gian qua, điều này phần nào phản ánh những triển vọng tích cực của xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Như vị lãnh đạo của một doanh nghiệp dệt may chia sẻ với NCĐT rằng đơn hàng đến với công ty ông ngày một nhiều, và nhận định rằng Những hiệp định thương mại tự do (như CPTPP hay EVFTA) này có hiệu lực sẽ giúp cho ngành dệt may Việt Nam có cơ hội cạnh tranh nhiều hơn so với các nước khác mà đặc biệt là Trung Quốc.
Trao đổi với NCĐT, ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO của Công ty Cổ phần Biên An Toàn, một công ty chuyên về tư vấn và quản lý tài sản, nhận định: “Sự hưởng lợi này là ngắn hạn vì sự luân chuyển nhu cầu từ giá cao xuống giá thấp. Trong 2-3 quý, sự leo thang chiến tranh thương mại sẽ có lợi cho Việt Nam. Các ngành hưởng lợi sẽ là đồ gỗ ,túi xách, thuỷ hải sản, rau quả, dệt may giày dép”.
Về rủi ro hàng Trung Quốc tràn về, ông Tuấn cho rằng Việt Nam đã ý thức được điều này và sẽ dựng các rào cản kỹ thuật, Bộ Công thương cũng đã và đang nghiên cứu về vấn đề này. Với góc nhìn của mình, ông Tuấn nhận ra đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng chuỗi giá trị để định vị lại thị trường chủ lực là Mỹ.
Ở góc độ vĩ mô, Việt Nam sẽ đón sự dịch chuyển dòng vốn để làm trung điểm sản xuất mới từ Trung Quốc, và có thể sắp tới vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp sẽ tăng lên, thực tế thì FDI quý III đã lên hơn 26 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chính phủ cũng ý thức được việc phải tránh làm mục tiêu tiếp theo của Mỹ, cũng như là đón nhận những công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng môi trường.