Việt Nam hưởng lợi gì trong gói Bali "nghìn tỷ USD” của WTO?
Vào tháng 12/2013, Tổ chức Thương mại thế giới WTO đã đạt được thỏa thuận đầu tiên, gói cam kết Bali sau 12 năm đàm phán trong Vòng Doha (DDA).
“Gói Bali” gồm cấu thành gồm Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TF); Gói cam kết nông nghiêp và Gói thương mại và phát triển; trong đó trọng tâm là Hiệp định thuận lợi hóa thương mại với mục tiêu xây dựng bộ quy tắc thống nhất, đơn giản hơn về thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo đánh giá của WTO, Gói cam kết Bali sẽ tạo ra 1.250 tỷ USD mỗi năm nhờ giảm chi phí và tăng hiệu quả thương mại, đồng thời tạo ra khoảng 21 triệu việc làm và mở ra cơ hội tiếp cận thị trưởng nông sản mới ở các thị trưởng phát triển…
Tuy nhiên, tại hội thảo “Gói cam kết Bali, cơ hội và thách thức với Việt Nam” ngày 28/7, ông Trần Bá Cường, Hàm Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết tới thời điểm này, mức độ hưởng lợi riêng từ Gói thương mại và phát triển của cam kết Bali vẫn “chưa rõ ràng” đối với Việt Nam.
Giải thích thêm ý ông Cường, ông Ngô Chung Khánh, Phó vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết thực tế Việt Nam sẽ đối diện với thách thức nhiều hơn thuận lợi.
Ông Khánh dẫn chứng, gói cam kết này mở ra các cơ hội xuất khẩu cho các nước đang và kém phát triển nhờ việc cải thiện hệ thống hạn ngạch thuế quan.
Đặc biệt, các nước kém phát triển (LDCs) sẽ có điều kiện tốt hơn để khai thác ưu đãi thuế quan theo các chương trình miễn giảm thuế và hạn ngạch của các nước phát triển nhờ quy tắc xuất xứ thuận lợi hơn.
“Nếu trong trường hợp chúng ta cũng có mặt hàng cạnh tranh với các nước kém phát triển khi xuất khẩu vào các thị trường lớn thì chúng ta sẽ chịu thiệt thòi hơn vì họ không phải chịu thuế, hạn ngạch”, ông Khánh nói.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Hợp tác kinh tế Quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho biết:
“Còn quá sớm nên chúng tôi cũng chưa dự báo hay thống kê được tác động hưởng lợi từ Gói nông nghiệp trong cam kết Bali đối với Việt Nam”.
Bà Hạnh nói, kỳ vọng gói cam kết nông nghiệp nhằm hỗ trợ người nghèo, nông dân ứng phó với các nguy cơ về an ninh lương thực cùng với đó cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận thị trưởng của các nông sản xuất khẩu...
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn thách thức, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề rào cản kỹ thuật.
“Với nông sản, thuế không phải là vấn đề quá lớn, mà đó là tiêu chuẩn kỹ thuật nhất là đối với một nước công nghệ còn lạc hậu như Việt Nam”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo vị này thì “rào cản kỹ thuật không chỉ là vấn đề các nước khác áp dụng với Việt Nam mà ngay chính bản thân nước ta khi áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam”.
Cũng tại hội thảo, bà Hạnh cho biết, hiện 55% xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Khi thị trường này gặp khó khăn sẽ kéo theo khó khăn cho đầu ra nông sản Việt Nam.
Vì vậy, khi vấn đề đa dạng hóa thị trường đang đặt ra cấp bách thì bà Hạnh hy vọng Gói nông nghiệp trong cam kết Bali sẽ tác động tích cực cho nông sản Việt Nam.
Nguồn BizLive