Việt Nam gặp thách thức khi thu hút vốn nước ngoài vào ngân hàng
Báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Việt Nam được ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát hành ngày hôm nay (3/10) cũng nhắc lại vấn đề này, cho rằng Chính phủ Việt Nam đang xem xét tăng mức trần sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tín dụng nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và kiến thức chuyên môn vào các ngân hàng.
Tuy nhiên, ADB đánh giá, các vấn đề ở hệ thống ngân hàng trong nước và độ chấp nhận rủi ro của các ngân hàng quốc tế suy giảm sẽ tạo ra thách thức trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, trong môi trường hiện tại, cũng khó có thể huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán trong nước.
Chuyên gia của ADB nhận định, nợ xấu hiện nay là một nhân tố lớn gây bất ổn cho khu vực tài chính và nền kinh tế. Theo cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/3, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng lên tới 8,6%, cao hơn mức báo cáo gần 5% của các tổ chức tín dụng.
Để xử lý nợ xấu, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét thành lập một công ty mua bán nợ xấu do Nhà nước quản lý, có chức năng mua bán nợ từ các ngân hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán các khoản nợ xấu của khu vực tư nhân. Song, theo ADB, chưa thấy đề xuất này có những tiến bộ rõ ràng.
Với quan điểm Việt Nam cần mạnh mẽ hơn trong quá trình tái cơ cấu, bao gồm việc xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ADB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần cung cấp thêm nhiều thông tin về tiến trình thực hiện cải cách để nhà đầu tư biết rõ đang thực hiện đến giai đoạn nào.
Tổ chức này cho biết, chương trình Đánh giá ngành tài chính của Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới mà Chính phủ đã đồng ý tham gia dự kiến sẽ được hoàn thiện vào quý I/2013. Việc công bố những kết quả chính của chương trình này và cam kết của Chính phủ để thực hiện một lộ trình cải cách đáng tín cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Trước đó, trong báo cáo do Ủy ban Kinh tế phát hành hồi đầu tháng 9, các chuyên gia cho rằng để xử lý nợ xấu, ngoài nguồn lực ở trong nước hiện đang hạn chế thì cần có thêm các nguồn tiền mới từ việc huy động vốn nước ngoài để xử lý nợ. Báo cáo đưa ra ước tính ước chi phí để ổn định lại hệ thống ngân hàng có thể là 12 - 14 tỷ USD (10-12% GDP).
Cùng quan điểm trên, trong bài trả lời phỏng vấn báo Đầu tư chứng khoán ngày 2/10, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, việc cho phép các ngân hàng nước ngoài góp vốn nhiều hơn vào các ngân hàng trong nước có thể là cách nhanh nhất để bơm thêm vốn vào hệ thống và phổ biến các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị kinh doanh và quản lý rủi ro cho các ngân hàng trong nước.
Báo cáo mới đây của Moody's cũng đánh giá, các nhà đầu tư ngoại không được khuyến khích đầu tư vốn vào ngân hàng Việt Nam, bởi bị giới hạn từ tỷ lệ góp vốn và Basel III. Nguồn: Moody's |
Nguồn Khampha