Việt Nam đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già"
Khoảng 40% dân số ở độ tuổi 70-74 ở Việt Nam vẫn đang phải làm việc, đa số trong thị trường lao động phi chính thức như hàng rong, đồng nát... Con số trong báo cáo của Liên Hiệp quốc khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại, không chỉ bởi nỗi lo Việt Nam chưa giàu đã già.
Một gương mặt thoát ly
Bà Nguyễn Thị Bé, năm nay đã xấp xỉ lục tuần với thâm niên cả chục năm giúp việc gia đình tại Hà Nội. Đến từ quê hương “chị Hai 5 tấn’’ nhưng bà kể, ở xã giờ ruộng bỏ hoang rất nhiều. Thời buổi hạt thóc cõng tới cả trăm loại phí, tính toán lấy công làm lãi bỗng thành lỗi thời. Người ta chỉ cấy để ăn bởi chẳng lẽ nhà có ruộng mà phải đi... mua gạo. Như bà Bé, năm nào bà cũng thỏa thuận với nhà chủ được về quê đúng vụ cấy và vụ gặt. Thuê người cấy gặt rất đắt, tính ra mất đứt mấy chục cân gạo.
“Ruộng bỏ hoang nhiều nhất là ở những khu vực chờ mở đường hay đang có dự án khu công nghiệp. Người nơi khác đến mua cũng nhiều, chủ yếu từ trên Hà Nội”, bà Bé vui vẻ kể chuyện quê. Quả thật, đối với người dân các vùng nông thôn, lựa chọn thoát ly lên thành phố đã không còn là quyết định cần phải cân lên đặt xuống. Với trường hợp bà Bé, số tiền vài chục triệu cả năm làm lụng trên thành phố luôn được phân bổ rạch ròi: tiền trả nợ xây nhà, tiền giống tiền phân, các loại phí cho mấy sào ruộng, tiền bù trừ sách vở học hành cho các cháu và trả nợ cho các khoản vay của ông chồng khi nhà vắng người nội tướng. Không còn tiền tích lũy cho tương lai nhưng vẫn còn hơn chán chỉ ở nhà làm ruộng.
Ngày ngày, lại thêm những người như bà Bé nhưng có lẽ kém may mắn hơn trong việc ghi tên vào danh sách lao động lớn tuổi nơi đô thị. Không bảo hiểm xã hội, không tài sản tích lũy, không nhận (hoặc không được nhận) sự phụng dưỡng của con cái, họ cật lực bươn trải bất chấp những rủi ro từ phơi nhiễm với ô nhiễm, độc hại, hay thậm chí, xung đột với nhiều quy định của pháp luật. Vì sao theo các báo cáo chính thức, Việt Nam đã và đang giàu lên mà vẫn xảy ra tình trạng này?
Vừa thoát ngưỡng thu nhập thấp đã thấp thỏm nỗi lo vướng bẫy thu nhập trung bình, biểu hiện của sự tăng trưởng không bền vững, không có gì khó hiểu khi tốc độ tăng GDP của Việt Nam lệch pha với thu nhập một bộ phận dân cư trong xã hội.
Theo kết quả điều tra “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam - Sự trỗi dậy của con rồng mới nổi” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương công bố năm 2015, người dân nông thôn đang nghèo đi. Ví dụ, năm 2014, thu nhập ròng (trừ lạm phát) của hộ dân nông thôn đạt 51,7 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều so với mức 84,7 triệu đồng trong năm 2012. Tỉ lệ phần trăm người dân nông thôn không hài lòng về cuộc sống cũng tăng 6 điểm phần trăm từ 50,1% năm 2012 lên 56,1% năm 2014.
Sự giàu không bền vững khó có thể đi cùng với sự cải thiện các chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, gánh nặng chi thường xuyên để đảm bảo mức sống tương đối chấp nhận được cho nhóm đối tượng chính sách, thương binh, người tàn tật... có thể là nguyên nhân khiến các nhà quản lý chưa quan tâm đủ tới những đối tượng kể trên.
Chưa giàu đã già và bài học từ Nhật
Trao đổi với Nhịp Cầu Đầu Tư, Tiến sĩ Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động Chính sách của Tổ chức Oxfam Việt Nam dự báo, viễn cảnh sẽ ảm đạm hơn. Trong suốt năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm những người đang trong độ tuổi lao động liên tục tăng. Tình hình khó có thể cải thiện khi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn đang phải chật vật trong thị trường mở, thiệt thòi về tiếp cận nguồn lực vốn, công nghệ... Khi nền kinh tế hiện tại không cung cấp đủ công ăn việc làm cho những người trong tuổi lao động, đội quân những người già phải bươn chải mưu sinh chắc chắn sẽ tăng lên.
Một vấn đề khác, trong khoảng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ bước qua giai đoạn dân số vàng. Khi đó, những người từ độ tuổi lao động chuyển sang người già và người kém sức lao động sẽ tạo gánh nặng lớn tới quỹ lương hưu. Không thể bỏ qua những lo ngại về việc mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội được đề cập liên tục trong thời gian qua bởi lẽ, dù không đến mức vỡ quỹ, mức chi trả lương hưu chỉ vừa đủ sống cũng khiến đối tượng công chức lớn tuổi phải cạnh tranh tìm việc làm để giải quyết khó khăn về tài chính.
Tốc độ già hóa của Việt Nam đang tăng rất nhanh. Theo tính toán của World Bank, đến năm 2030, gần một phần năm dân số sẽ bước vào tuổi già. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 30%. Tốc độ già hóa tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới, nhưng lại diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập thấp hơn nhiều các nước cũng già hóa khác. Vì thế, gánh nặng của cuộc sống những người già tại Việt Nam nặng nề hơn.
Vị chuyên gia Oxfarm cho rằng, đã đến lúc phải nghĩ tới một dạng trung tâm giới thiệu việc làm cho những người lớn tuổi, không để họ phải chịu cảnh mưu sinh nơi đất khách quê người mà không có bất cứ thông tin gì. Về phía các nhà quản lý, cần xem xét điều chỉnh để người giàu phải đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển xã hội, trong đó có việc giúp đỡ những người nghèo. Chính sách thuế cần điều chỉnh thế nào để người giàu có thu nhập không xa vời vợi so với nguồn lực họ bỏ ra mà phải hoàn trả lại cho xã hội. Ngoài ra, cũng cần phải phân bổ ngân sách nhà nước tốt hơn, để phúc lợi xã hội đến được với những nhóm người thiệt thòi trong xã hội.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, trong cuộc trao đổi với Nhịp Cầu Đầu Tư lại đề xuất, vấn đề căn cốt là phải để người dân nông thôn có mức sống không chênh lệch quá xa so với thành thị. Những người già sẽ lao động cùng với những người trẻ ngay trên mảnh đất của họ, trên chính quê hương họ. Đó là điều người Nhật đã làm được.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, người Nhật khôi phục được ngành công nghiệp. Nông dân Nhật bắt đầu bỏ ruộng đi làm công nhân, đơn giản bởi làm lúa không sống nổi. Năm 1961, Chính phủ Nhật đưa ra Luật Nông nghiệp, đồng thời sửa đổi Luật Hợp tác xã. Theo đó, nông thôn phải có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt như ở thành thị, giá nông sản phải được nâng lên ở mức làm nông cũng đạt được mức thu nhập tương tự như đi làm nhà máy. “Tuy nhiên, để đảm bảo người nông dân tiếp cận được với kỹ thuật canh tác và được hỗ trợ thường xuyên trong sản xuất, Chính phủ Nhật lúc đó yêu cầu nông dân phải vào hợp tác xã mới được bán lúa với giá mới. Giờ nông dân của Nhật rất giàu”, vị chuyên gia dẫn chứng.
Giáo sư Xuân bày tỏ sự kỳ vọng rất lớn các nhà quản lý, hoạch định chính sách với những phát biểu về lời giải cho nông nghiệp và vai trò của doanh nghiệp Việt... Phải chăng, kinh tế Việt Nam cũng đã chờ được tới lúc chuyển mình?
Hoàng Hạnh