Chủ Nhật | 17/02/2013 22:36

Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về nhận kiều hối

Năm 2012, lượng kiều hối đạt 10 tỷ USD, chiếm 10% xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.
Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời về những thành quả của ngoại giao kinh tế cũng như những vấn đề đang đặt ra trong năm 2013.

Việt Nam đứng thứ 7 về nhận kiều hối nhiều nhất thế giới

Lượng kiều hối mà kiều bào gửi về Việt Nam lại tăng mạnh so với các năm trước, ước đạt hơn 10 tỷ USD và đứng thứ 7 trong các nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong hàng năm đều gia tăng và lượng kiều hối trong thời gian qua đã đầu tư cho hơn 2.000 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về Việt Nam.

Năm 2012, lượng kiều hối nói trên chiếm 10% xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Đây là nguồn tiền thực đóng góp vào phát triển đất nước, đóng góp vào bình ổn tỷ giá, cũng như tăng lượng dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Chúng ta rất trân trọng và khuyến khích kiều bào ta tại nước ngoài, người Việt Nam làm việc, lao động, học tập ở nước ngoài gửi tiền về kiều hối về cho gia đình cũng đồng thời cho phát phát triển đất nước, đây cũng là việc ích nước lợi nhà.

Sẽ có hành động để minh oan cho tôm Việt Nam

Đại diện của một công ty thủy sản chia sẻ, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đang đối mặt với vụ kiện chống trợ giá của một nhóm công ty tôm tại Hoa Kỳ. Con tôm Việt Nam đang bị nghi ngờ được nhận trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam để cạnh tranh với ngành sản xuất tôm tại Hoa Kỳ.

Xung quanh vấn đề trên, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, Bộ Ngoại giao rất quan tâm đến con tôm của Việt Nam, nhất là khi lại phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống trợ cấp của Hoa Kỳ. Trong 7 năm qua, con tôm xuất khẩu của Việt Nam đã bị chịu một mức thuế chống bán phá giá, gây thiệt thòi cho người sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao đã sớm có thông tin về việc này để cung cấp cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp của Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công Thương để cùng giải quyết.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: “Chúng ta phối hợp, hợp tác với Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ, đây là 2 cơ quan chủ trì chính trong xử lý vụ này. Chúng sẽ cung cấp thông tin đánh giá thật sự khách quan về các tác động và tác động này không chỉ ảnh hưởng tới người sản xuất tôm của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng của Hoa Kỳ.

Biện pháp thứ 2 là chúng ta phải phối hợp với các đối tác, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ, cung cấp cho họ những thông tin thật sự khách quan và để họ lên tiếng phản đối vụ kiện bất hợp lý này. Ngoài ra, chúng ta phối hợp, chia sẻ thông tin với 6 nước cũng có tham gia vụ kiện này.

Có thể nói, trong thời gian vừa qua, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ đã hợp tác rất chặt chẽ, tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ để cung cấp thông tin và khẳng định rõ chính sách của Chính phủ chúng ta hoàn toàn phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chúng ta không làm gì sai trong vấn đề này”.

Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam

Lần đầu tiên sau 19 năm, chúng ta đã xuất siêu trở lại. Đằng sau các nỗ lực của mỗi doanh nghiệp xuất khẩu, còn có sự hỗ trợ của các bộ ngành, trong đó có vai trò của ngành Ngoại giao. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Hiện chúng ta có gần 100 cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài. Có thể nói các cơ quan đại diện ngoại giao đang hoạt động rất tích cực triển khai các chương trình, các kế hoạch tăng cường ngoại giao kinh tế.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết: “Chúng ta thiết lập Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp mới được 2 năm và trong 2 năm đó, chúng ta đã hỗ trợ được cho các doanh nghiệp. Cụ thể chúng ta đã giới thiệu được các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hy Lạp. Ví dụ như Công ty may 10 đã bán được sản phẩm sang Hy Lạp.

Có được điều này, trước hết khi chúng ta mở cơ quan đại diện tại Hy Lạp đã phát hiện ra ở đây có nhiều nhu cầu về nhập hàng may mặc và cơ quan đại diện của ta đã giới thiệu cho Công ty may 10 để xuất hàng sang nước này. Trong tình hình khó khăn nhưng thương mại của Việt Nam và Hy Lạp trong năm 2012 tăng 10%. Đây là câu chuyện rất cụ thể mà ngoại giao đóng góp vào hoạt động kinh tế đối ngoại”.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: Ngoại giao kinh tế là một trong 3 trụ cột của ngoại giao Việt Nam, đó là ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa.

Bộ trưởng cho biết, "năm 2013, chúng ta vẫn tiếp tục chiều hướng tăng cường quan hệ với Mỹ Latinh nhưng đồng thời mở rộng ra các khu vực khác, đó là khu vực Trung Đông, châu Phi còn rất nhiều tiềm năng và ngoại giao thì cần phải mở đường, phát hiện ra những thị trường đó cho trong nước”.

Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Nguồn VOV


Sự kiện