Ảnh: TL

 
Thái Bình Thứ Bảy | 23/05/2020 16:34

Việt Nam "đón sóng" chuyển dịch nhà máy

Nhiều "ông lớn" dời đại bản doanh khỏi thị trường Trung Quốc và “nhắm” sang Việt Nam.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhà máy, tập đoàn công nghiệp đang đua nhau chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc thực chất bắt đầu từ trước thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, tuy nhiên quá trình này diễn ra nhanh hơn kể từ khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát. Việt Nam đang là một trong những thị trường được nhiều “ông lớn” lựa chọn.

Mới đây, tờ Nikkei Asian Review vừa cho biết Panasonic sẽ tạm ngừng nhà máy sản xuất đồ gia dụng ở ngoại ô Bangkok Thái Lan, để chuyển sang cơ sở mới tại Việt Nam nhằm tăng hiệu suất. Hiện Panasonic có 8.000 nhân viên tại Việt Nam. 

Ngoài các thiết bị lớn, những đơn vị địa phương tại Việt Nam của hãng còn sản xuất TV, điện thoại bàn không dây, thiết bị thanh toán thẻ và các thiết bị công nghiệp.

Sau dịch COVID-19, các công ty nước ngoài nhận thấy cần đa dạng hoá việc đầu tư tại nhiều quốc gia.
Sau dịch COVID-19, các công ty nước ngoài nhận thấy cần đa dạng hoá việc đầu tư tại nhiều quốc gia.

Chia sẻ với truyền thông, ông Marukawa, Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết, "Đây là một trong những kế hoạch tái cấu trúc trong dây chuyền sản xuất của chúng tôi. Sản xuất và cung cấp sản phẩm từ Việt Nam đến các thị trường đơn lẻ sẽ thuận lợi hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan. Từ đó, chúng tôi có thể đem lại các sản phẩm có tính cạnh tranh hơn tới người tiêu dùng".

Bên cạnh đó, ông Marukawa cũng nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại khu vực, với mức tăng trưởng GDP ổn định, dân số trẻ và vô cùng năng động. Việt Nam đang ở trong vị trí cực kỳ thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch nhà máy và dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh Panasonic thì Apple cũng sử dụng các nhà máy ở Việt Nam để sản xuất một sản phẩm mới hoàn toàn. Thay vì chỉ dựa vào các nhà máy này cho việc sản xuất một mẫu sản phẩm cũ đã được làm tại Trung Quốc

Không chỉ Panasonic, Apple, Nintendo và Samsung cùng một số nhà cung cấp linh kiện ở Châu Á đã chuyển một số dây chuyền sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam. Việc Việt Nam phản ứng nhanh khi đại dịch COVID-19 bùng nổ cùng với 271 ca lây nhiễm và không có ca tử vong cũng khiến nhiều nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào thị trường.

Theo thống kê mới đây của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn số 1 tại Đông Nam Á để là nơi sản xuất, là nguồn cung ứng, hay địa điểm cho dịch vụ hậu mãi. Tuy nhiên, tinh thần dịch chuyển sẽ là từng dây chuyền sản xuất phù hợp chứ không phải toàn bộ.

Theo nhận định từ ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng Hà Nội, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, "Chúng tôi nhận thấy được làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Nhiều công ty đang cân nhắc và tìm hiểu xem dây chuyền nào sẽ phù hợp để chuyển sang. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến tiềm năng về mặt sản xuất, thị trường hay mua sắm công".

Theo các chuyên gia, rất khó để biết được có bao nhiêu công ty đang có ý định dịch chuyển sang Việt Nam. Nguyên nhân là do những công ty này thường giữ kín các động thái để tránh làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với chính phủ và nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang khảo sát, tìm hiểu việc đầu tư chuỗi sản xuất vào Việt Nam.

Còn nhận định từ ông Nakajima thì, "So với Trung Quốc, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về nhiều lĩnh vực như giao thông, logistics... Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng nổ, các công ty Nhật nhận thấy việc đầu tư và sản xuất tại một quốc gia là vô cùng mạo hiểm. Họ đang cân nhắc đa dạng hoá việc đầu tư tại nhiều quốc gia".

Một nguyên nhân nữa khiến các tập đoàn đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc là những bất ổn sụt giảm kinh tế gần đây do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Trung Quốc được cho là có nhiều biểu hiện ưu đãi bất đối xứng cho các tập đoàn điện tử trong nước, đặc biệt là các "đại gia" công nghệ của nước này như Alibaba, Huawei... Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có nhiều lợi thế về logistics, lao động tay nghề cao nhưng giá rẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ý kiến các chuyên gia để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác, và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn thì chúng ta cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hiệu quả logistics cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, phải có chính sách ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia chuyển công nghệ cao, công nghệ nguồn về Việt Nam.

Nguồn Tham khảo VTV