Việt Nam đón làn sóng đầu tư từ Nhật Bản
Jetro cũng cho biết hiện có tới 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài đang cân nhắc Việt Nam như một lựa chọn hàng đầu. Báo cáo hồi tháng 2/2014 của tổ chức này cho hay Việt Nam đã trở thành quốc gia ưu tiên nhất của Nhật, vượt qua "đối thủ lớn nhất trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư" là Indonesia, Thái Lan và Philippines. 70% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm nay.
Trong chuyến làm việc tại Hà Nam, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Tokyo (TCCI), ông Koyama Kduji cho biết 8 doanh nghiệp trong đoàn đều mong muốn hợp tác đầu tư với đối tác Việt Nam và coi đây là điểm đến quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đại diện công ty Tokyo Braze, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực hàn cũng chia sẻ không chỉ có kế hoạch mở chi nhánh tại Việt Nam mà còn muốn chuyển giao công nghệ cho các đối tác. Công ty Tokyo Byora chuyên về kinh doanh ốc vít cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh Hà Nam giới thiệu đối tác để chuyển giao công nghệ và hợp tác thương mại. Ngoài ra, đoàn doanh nghiệp Tokyo trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ y tế, in ấn bao bì… cũng tỏ ý muốn đầu tư tại tỉnh.
Trước động thái này, thông tin từ tỉnh Hà Nam cho biết lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất linh kiện kim loại trị giá 2,1 triệu USD của công ty Marujyu. Từ nay tới cuối năm, tỉnh dự kiến sẽ chấp thuận cho 12 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh, sau khi đã có 45 doanh nghiệp nước này hoạt động trên địa bàn.
Bình luận về sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật với Việt Nam, ông Masataka Yoshida - Giám đốc điều hành hãng tư vấn Recof đánh giá sắp tới sẽ có làn sóng đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam. "Nhà đầu tư quan tâm rất cao tới thị trường Việt Nam. Đây đang là thị trường đầu tư tài chính lớn thứ hai của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư Nhật, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cản trở như các chính sách thiếu tình đồng bộ, thủ tục hành chính còn nhiều quan liêu, chi phí thuế cao... "Chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn khi tuân thủ các quy định pháp lý của Việt Nam, do các thủ tục khá khó hiểu và phức tạp", đại diện Recof cho biết.
Trước vấn đề này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết các địa phương Việt Nam hiện đang cải cách mạnh để thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực như công nghệ thông tin, hạ tầng, nhà xưởng, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, giảm thuế… Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tạo động lực thu hút hút doanh nghiệp nước ngoài.
Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong hai năm qua (2012 và 2013). Sang 6 tháng đầu năm 2014, quốc gia này xếp thứ ba với hơn 800 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, giảm so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh đồng Yên mất giá. Tuy nhiên, đến nay quốc gia này vẫn là nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu với hơn 2.300 dự án, tổng vốn đăng ký trên 35 tỷ USD.
Nguồn VnExpress