Tiêu chuẩn thịt mát được đánh giá là điểm đột phá trong chế biến. Ảnh: Quý Hòa
Việt Nam định tiêu chuẩn về “thịt mát”
→Bảo hộ: Rào cản lớn cho xuất khẩu thịt heo
→Xuất khẩu lô thịt heo đầu tiên sang Myanmar
Tiềm năng của thị trường "thịt mát"
Một ngày sau khi tiêu chuẩn quốc gia về "thịt mát" được Bộ Khoa học- Công nghệ công bố, Bộ Nông nghiệp -Phát triển nông thôn đã tổ chức một buổi trao đổi với báo chí để làm rõ những yêu cầu kỹ thuật, ý nghĩa về bộ tiêu chuẩn này.
Theo bộ tiêu chuẩn, thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ trải qua quá trình làm mát, bảo đảm tâm thịt đạt nhiệt độ từ 0 - 4 độ C trong vòng 24h sẽ được gọi là "thịt mát". Thịt sau khi làm mát, pha lọc, đóng gói trong nhiệt độ dưới 7 độ C và vận chuyển, phân phối phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 0 - 4 độ C. Ngoài ra, bộ tiêu chuẩn cũng chỉ ra quy định ngặt nghèo từ khâu vận chuyển lợn, chờ giết mổ, sau giết mổ và quá trình pha lọc đóng gói, phân phối.
Nếu chỉ một trong những khâu trên không đúng tiêu chuẩn sẽ không được dán nhãn "thịt mát". Để giám sát, hậu kiểm quy trình sản xuất "thịt mát", Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn khẳng định tất cả các khâu đều có cơ quan kiểm soát.
Do sản xuất, phân phối "thịt mát" phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên kênh phân phối loại thịt này cũng có đặc thù riêng. Hiện hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã có đủ phương tiện làm mát nhưng tại các chợ dân sinh, việc bán thịt mát sẽ gặp khó khăn.
Tiềm năng của thị trường "thịt mát" khá lớn và tiêu chuẩn đã có, tuy nhiên để "thịt mát" trở nên gần gũi với thói quen tiêu dùng của người Việt, cũng như thực sự tác động đột phá đến hệ thống giết mổ, chế biến thịt của Việt Nam, từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm.
Vươn xa quốc tế
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme và rất khó để kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh.
Tiêu chuẩn thịt mát được đánh giá là điểm đột phá trong chế biến và sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, thay đổi thói quen tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu của ngành chăn nuôi. Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông sản, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, thịt lợn mát đảm bảo chất lượng so với "thịt nóng" với cách giết mổ truyền thống hiện nay.
Đây là giải pháp khoa học, thịt mát giúp thời gian tiêu dùng kéo dài hơn, lên tới 7 ngày, nếu bảo quản mát trong điều kiện hút chân không có thể bảo quản tới 15 ngày. Thịt mát thơm ngon hơn, ngọt hơn so với cách sử dụng thịt nóng.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay: Tiêu chuẩn "thịt lợn mát" đã và đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng, việc tiêu chuẩn này được ban hành ngoài đưa đến người tiêu dùng thêm sản phẩm chăn nuôi chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế mà còn giúp doanh nghiệp chăn nuôi hội nhập, gia tăng giá trị trong lĩnh vực chăn nuôi.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, chủ trương của Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn trong tái cơ cấu nông nghiệp là hoàn thiện thể chế về kinh tế mà ở đây là các tiêu chuẩn và quy chuẩn của quốc tế. Bởi chúng ta muốn hội nhập với quốc tế và khu vực thì phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo các yêu cầu về an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng của sân chơi quốc tế.
Cũng tại cuộc trao đổi, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, muốn làm được điều này, phải có vùng nguyên liệu sạch, và kiểm soát theo chuỗi giá trị. Đối với chăn nuôi lợn, hiện cả nước có 615 cơ sở an toàn dịch bệnh và 2 vùng an toàn dịch bệnh. Đến nay đã có 52 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Không chỉ với thịt lợn, theo ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông sản, tới đây sẽ có tiêu chuẩn thịt mát với thịt trâu, bò, ngựa, gà, vịt, ngan ngỗng, các tiêu chuẩn này sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn trong các giai đoạn tiếp theo.