viettimes.vn
Việt Nam: Điểm nóng trên bản đồ ngà voi
“Cách đây 2 năm, khi còn là Giám đốc Rừng quốc gia Yok Đôn, tôi từng chứng kiến một con voi đực còn sống bị các tay săn trộm cột vào cột nhà để cắt ngà”, thủ đoạn tàn độc được ông Đỗ Quang Tùng, Phó Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kể lại. Câu chuyện xảy ra tại 1 trong 3 vùng có nhiều voi sinh sống nhất tại Việt Nam - nơi từ lâu đã là một trong những điểm nóng về tiêu thụ và trung chuyển ngà voi trên thế giới.
Ngà voi, sừng tê giác, mật gấu... là những sản phẩm của thị trường buôn bán động vật hoang dã với giá trị ước tính 20 tỉ USD, chỉ đứng sau buôn bán ma túy và vũ khí. Tất cả bắt nguồn từ quan niệm sai lầm về tính thần dược của chúng.
Ngà voi là cặp răng cửa trên của voi, có một lớp men bao ngoài. Ngà của một con voi trưởng thành dài trung bình 3m, được voi dùng để ăn cỏ, đào đất, di chuyển đồ vật, phòng thủ và hoàn toàn không có công dụng nếu không còn thuộc về một con voi còn sống. Tuy vậy, nó vẫn được nhiều người xem như biểu trưng của quyền lực và giàu có, dùng làm trang sức, đồ điêu khắc, nữ trang, phụ kiện hay trưng bày. Giá ngà voi thô bán sỉ ở Hồng Kông (Trung Quốc) và đại lục Trung Quốc năm ngoái khoảng 450-900 USD/kg.
Năm 1989, công ước CITES đã cấm kinh doanh ngà voi trên phạm vi quốc tế. Lệnh cấm này đã góp phần ổn định số lượng quần thể voi châu Phi trong một thời gian trước khi công ước này cho phép một số nước châu Phi bán ngà voi tồn trữ sau đó. Thông tin mua bán ngà voi “hợp pháp” đã làm bùng nổ lại nhu cầu và hình thành một thị trường tiêu thụ lớn hơn. Các chuyên gia cho biết, đại lục Trung Quốc chiếm hơn 70% nhu cầu ngà voi lậu của toàn cầu, bên cạnh đó là các thị trường Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ và Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam là một điểm nóng trên bản đồ mua bán ngà voi trái phép trên thế giới. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2016, Hải quan Việt Nam đã phát hiện và thu giữ 6 tấn ngà voi vận chuyển trái phép, số lượng luồn lách thành công không thể ước tính. Ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV1, cho biết thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, mà cửa khẩu Cát Lái hằng năm thông quan hơn 4 triệu container từ hơn 3.000 con tàu cập cảng, nên khó kiểm soát hết.
Một vụ gần đây, trong một lô gỗ xoan đào nhập từ Mozambique, cơ quan Hải quan đã phát hiện 6/100 khúc gỗ chứa 2.052kg ngà voi (tương đương 100 con voi bị giết). Thủ đoạn được dùng là khoét rỗng gỗ, nhét ngà voi vào trong, ngụy trang bằng keo, xi măng, cát, thạch anh... đồng chất với gỗ mà máy soi chiếu không phát hiện được. Cũng trong những tháng cuối năm, tiếp tục phát hiện gần 6.000kg ngà voi (tương đương 300 con voi bị giết hại) trong đó có những cặp sừng nặng đến 60kg được vận chuyển trái phép qua Cát Lái. Ông Linh cho biết các cán bộ đồng nghiệp tại Thái Lan, Campuchia cũng nhiều lần phát hiện nhiều lô ngà voi vận chuyển trái phép từng trót lọt qua cửa khẩu Việt Nam.
“Thế giới không ngừng chứng kiến những vụ thảm sát voi để lấy ngà, dẫn chứng như tại vườn quốc gia Cameroon, hơn 300 con voi bị giết một lúc bằng lựu đạn, súng AK. Hầu hết voi bị giết ở châu Phi đều được vận chuyển về châu Á, mà Việt Nam là trung tâm trung chuyển đi những nước khác”, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc tổ chức CHANGE, cho biết.
Mỗi năm, trên thế giới, khoảng 33.000 cá thể voi bị giết để lấy ngà. Đa số ngà voi buôn lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ châu Phi, chỉ một lượng nhỏ được lấy từ voi nuôi và voi hoang dã ở Lào và Việt Nam. Voi đực là đối tượng bị săn bắn nhiều nhất khi có ngà rõ rệt. Không chỉ ngà voi mà thịt voi cũng được tiêu thụ làm thức ăn, da voi dùng cho may mặc.
Ở châu Phi hiện chỉ còn 420.000 cá thể voi, giảm một nửa so với năm 1979. Trong đó, chỉ riêng Tanzania đã mất 60% lượng voi trong 5 năm, Trung Phi mất 65%, còn 95% diện tích rừng rậm Congo không còn cá thể voi sinh sống. Nếu tình trạng săn trộm lấy ngà tiếp diễn với tốc độ hiện tại, hầu hết các quần thể voi hoang dã sẽ biến mất trong vài năm tới.
Không chỉ vận chuyển và tiêu thụ ngà voi lậu, quần thể voi ở Việt Nam cũng bị suy giảm nặng nề do săn bắn trái phép. Ở nước ta, hơn 20 năm trước có trên 1.000 cá thể voi, nhưng nay chỉ còn dưới 100 cá thể, sống dọc các tỉnh ở biên giới Lào và Campuchia. Năm cấp độ phạm tội về săn bắn, tiêu thụ trái phép ngà voi gồm: săn bắn, xúi giục - đầu tư cho săn bắn, buôn bán - vận chuyển, chế biến - tiêu thụ và sử dụng. Việt Nam dù là nơi trung chuyển ngà voi lớn nhất thế giới nhưng chưa có biện pháp xử lý mang tính răn đe.
Mới đây, Luật Hình sự sửa đổi được thông qua đã thể hiện thái độ kiên quyết của Chính phủ đối với nạn săn bắn, buôn lậu động vật hoang dã xuyên biên giới. Lần đầu tiên, hành vi buôn bán trái phép 2kg ngà voi trở lên sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 15 năm tù.
Hoàng Anh