Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp và dầu khí tại Mozambique
Ông Aiuba Cuereneia cho biết, Mozambique có tiềm năng hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản, tài nguyên khoáng sản, công nghiệp dân dụng, xây dựng, năng lượng và hạ tầng công cộng.
Liên quan đến vấn đề viễn thông, hiện tại Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Mozambique của Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel. Dự án với tổng vốn đầu tư tại nước ngoài là 493,79 triệu USD, trong đó Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel góp 345,65 triệu USD với mục tiêu là xây dựng, vận hành và khai thác dịch vụ viễn thông, thông tin tại Mozambique.
Viettel đã đào tạo tại Việt Nam cho 25 cán bộ chủ chốt người Mozambique và tiến hành chuyển giao vị trí quản lý (năm 2012 sẽ có 50% vị trí quản lý do người Mozambique nắm giữ).
Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới hai nước tăng cường hơn nữa không chỉ về lĩnh vực viễn thông mà còn nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt hơn nữa là lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí rất tiềm năng.
Bộ trưởng cho biết thêm, dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu, khuyến nông và sản xuất lúa gạo tại tỉnh Dambedia với tổng diện tích hơn 42 ha, giá trị đầu tư khoảng 6 triệu USD với mục tiêu là giúp cung cấp các giống lúa cơ bản phục vụ sản xuất cho Mozambique.
Về vấn đề khai thác dầu khí, dự án đang được nghiên cứu trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Mozambique (ENH) và Cơ quan Quản lý Đầu tư Mozambique (SPI) trong lĩnh vực dầu khí.
Cơ cấu kinh tế của Mozambique bao gồm nông nghiệp 28,7%, công nghiệp 26,9%, dịch vụ 44,7%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, trong những năm gần đây, Mozambique vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,8%/năm.Từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Mozambique tăng hơn 3 lần (từ 13,83 lên 45,35 triệu USD). Năm 2011, trao đổi thương mại hai chiều ước đạt 90 triệu USD, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu với các mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, dệt may, và nhập khẩu bông, gỗ, hạt điều nguyên liệu. Kim ngạch thương mại 2 chiều quý I/2012 đạt gần 20 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu chủ yếu là các mặt hàng kim loại, dây điện. |
Nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư