Thứ Bảy | 08/11/2014 08:27

Việt Nam đang ứng phó thế nào với giá dầu giảm?

Bộ Công Thương đang xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến giá dầu thế giới.

Việt Nam đang xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của giá dầu thô thế giới, để làm sao khai thác dầu đạt hiệu quả cao nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao đổi với VnEconomy bên hành lang Quốc hội, hôm 7/1.

Cũng về chủ đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhìn nhận rằng lo thì có lo, song giá dầu là yếu tố quan trọng chứ không phải là quyết định với thu ngân sách.

Giá 75 USD một thùng thì lãi rất ít

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, giá dầu thô giảm liên tục xuống mức rất thấp so với mấy năm trở lại đây, tất nhiên là khi giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu thành phẩm cũng sẽ giảm thì người dân sẽ có lợi vì chúng ta vẫn nhập 70% sản phẩm xăng dầu tiêu thụ trong nước.

Tuy nhiên giá dầu giảm như vậy thì giá dầu xuất khẩu của Việt Nam là có vấn đề, so với năm ngoái có lúc trên 100 USD một thùng giờ còn có 75 - 76 USD một thùng, nên thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô hiện nay đang giảm, vì ở mức này thì ta có lãi rất ít.

"Đó là khó khăn, nhưng mà bây giờ mình không thể muốn tất cả mọi cái được, đúng không? Vừa muốn xuất dầu thô giá cao vừa muốn nhập xăng dầu thành phẩm rẻ thì chắc không có", ông nói.

Về chủ động ứng phó thì theo Bộ trưởng, có hai cách.

"Một là tăng cường khâu dự trữ dầu thô, hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện dự trữ, để khi nào giá xuống thấp thì tạm trữ lại chứ chưa xuất hết, khi nào giá cao hơn thì lại xuất. Đó là cách vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa ứng phó với biến động bất lợi của giá dầu".

"Hai là tăng cường công tác nghiên cứu dự báo để điều chỉnh kế hoạch khai thác, không phải cứ khai thác đều trong năm mà căn cứ diễn biến và dự báo thì lúc có lợi sẽ tăng, khi nào giá bất lợi thì giảm sản lượng. Đó là cách một số nước đang làm, nhưng để làm được thế thì phải dự báo tương đối chính xác diễn biến cung cầu và giá dầu thế giới", ông nói.

Quốc hội sắp thông qua nghị quyết kinh tế xã hội và ngân sách, tuy nhiên cũng chưa đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch. Diễn biến giá dầu thế giới thì rất khó lường, vì đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị.

"Điều có thể làm lúc này là tăng cường công tác thông tin, nắm tình hình và đưa ra một số kịch bản ứng phó với diễn biến, để làm sao vẫn khai thác được dầu một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng cao nhất để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội các kịch bản này", Bộ trưởng nói với VnEconomy.

Thu từ dầu thô chiếm 1/10 ngân sách

Hiện nay đúng là có một số dấu hiệu đáng lo, vì trong dự toán ngân sách Nhà nước 2015 trình ra Quốc hội lần này, giá dầu bình quân là 100 USD một thùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trao đổi với VnEconomy,

"Rõ ràng nếu giá dầu vẫn ở mức trên 70 USD một thùng như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước 2015", ông Hiển nói.

Nhưng theo ông: "Tuy nhiên vẫn phải theo dõi cho kỹ. Quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Chính phủ là cứ giữ như dự toán là 100 USD một thùng, vì qua theo dõi  hàng năm thì phần lớn giá dầu đều trên 100 USD một thùng cả".

Nêu việc phần lớn tăng thu so với dự toán mọi năm đều do giá dầu, nên nếu giá dầu không như dự toán thì sẽ phải có nguồn khác để bù đắp, song vị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết nguồn thu từ dầu cũng chỉ khoảng 10%, nên giá dầu là yếu tố quan trọng chứ chưa phải quyết định.

Như năm 2014 dự toán là 911 ngàn tỷ đồng, thu từ dầu là khoảng 80 ngàn tỷ đồng.

"Mấy năm gần đây thì sự phụ thuộc của ngân sách vào dầu thô cũng giảm đi nhiều. Sản lượng khai thác mỗi năm đều trên dưới 15 triệu tấn, chứ chưa có gì đột biến, nếu có năm nào tăng lắm thì cũng thêm 200 - 300 ngàn tấn thôi", ông nói.

Nguồn VnEconomy