Việt Nam đang trợ cấp cho nước ngoài qua xuất gạo?
Đó là ý kiến được TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, đưa ra tại hội thảo cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) chủ trì tổ chức hôm 21/10.
Để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa, TS Thành cho rằng cần các cơ quan quản lý đánh giá và có câu trả lời xác đáng về việc ai đang được hưởng lợi nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử như chính sách miễn thủy lợi phí, miễn thuế đất cho sản xuất nông nghiệp... được thực hiện nhiều năm qua.
Ông Thành phân tích Nhà nước hỗ trợ nông dân thông qua việc xây cầu đường, thủy lợi... Nguồn để hỗ trợ này được lấy từ tiền thuế như thuế thu nhập cá nhân của người lao động ở khu vực thành thị...
Những chi phí hỗ trợ này không được tính vào giá thành sản phẩm gạo, trong khi lượng gạo xuất khẩu hằng năm chiếm 20% tổng sản lượng gạo của cả nước.
Thực tế cho thấy khoảng một nửa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua được xuất sang Trung Quốc, Philippines...
Trong khi đó, người nông dân luôn bị thiệt thòi, rủi ro dù được hay mất mùa. Như vậy, vô hình trung là người trong nước trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài? Đây là điều tối kỵ trong thương mại quốc tế.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đồng tình khi cho biết vì an ninh lương thực của quốc gia, nhiều nước không xuất khẩu gạo mà chỉ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất lúa gạo luôn gặp nhiều rủi ro khi phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Thêm nữa, giá gạo đang có xu hướng giảm.
“Nhiều nước luôn cho rằng xuất khẩu gạo không phải là chiến lược khôn ngoan, trong khi đó khuynh hướng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam là hướng đến xuất khẩu, coi xuất khẩu là thành tích” - ông Thành nhận định.
Nguồn Tuổi trẻ