Quý Hòa
Việt Nam đang tiến gần với chuẩn kinh tế tại Thái Lan và Malaysia?
Dù mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng triển vọng kinh tế Việt Nam 2019 tăng trưởng tích cực, Giáo sư Ian Eddie, Giáo sư VinaCapital chuyên nghiên cứu về đầu tư cổ phần tư nhân của RMIT Việt Nam, cũng chỉ ra hai thách thức rõ nét mà Chính phủ sẽ phải đối mặt trong những năm tới: tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến động và việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
“Chính phủ cần củng cố đồng tiền mạnh để thu hút vốn đầu tư, giúp Việt Nam có được cân bằng thương mại tốt”, Giáo sư Eddie nói. Thực hiện điều này, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hưởng lợi, đặc biệt nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở nên sâu sắc hơn theo chiều hướng nào đi chăng nữa.
Theo chỉ số thịnh vượng toàn cầu Wealth-X năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu. Đây là con số thật ấn tượng khi Việt Nam không chỉ có nhiều doanh nhân thành đạt mà họ còn thành công theo chuẩn toàn cầu. Nhưng đây cũng là vấn đề mà Chính phủ cần ý thức rõ; tỉ lệ nghèo vẫn còn và bất bình đẳng trong thu nhập là vấn đề lớn. Bất bình đẳng thu nhập luôn là vấn đề mấu chốt trong bình ổn kinh tế. “Bất kỳ quốc gia nào có tỉ lệ bất bình đẳng càng cao càng có nguy cơ bất ổn về xã hội và chính trị”, Giáo sư Eddie phân tích.
Từ khi cuộc Khủng hoàng tài chính toàn cầu kết thúc vào năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng. GDP của Việt Nam đã tăng 6,98 phần trăm từ tháng 1 đến tháng 9/2018 (theo Tổng cục Thống kê, số liệu này cho thấy GDP đã tăng hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 6,7%). Chỉ số này cho thấy đây là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng chín tháng kể từ năm 2011 và cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (Campuchia đạt 7%).
Giáo sư Ian Eddie. |
Ông nói: “Có thể chỉ ra rằng Việt Nam có lẽ đã có đủ tiền đề tốt nhất để thăng hạng lên ngang tầm với chuẩn kinh tế tại Thái Lan và Malaysia. Việt Nam đã tự định vị tốt, cải cách hệ thống tài chính. Liên quan đến Thị trường mới nổi, Việt Nam có một trong những đồng tiền mạnh nhất. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh mẽ và hiện đã vượt hơn 100% GDP của đất nước. Việt Nam đang có được vị thế hết sức đặc biệt mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được khi đầu tư trực tiếp hơn hẳn GDP”.
Được sự hỗ trợ bởi các chính sách rõ ràng của Chính phủ, tinh thần khởi nghiệp ở đất nước sẽ thăng hoa, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh – ngôi nhà của hơn phân nửa số doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhờ tư duy khởi nghiệp thiên bẩm và năng lực kinh doanh, giới khởi nghiệp tại đây có thể thích ứng với ngành đầu tư mạo hiểm đang nổi ở Việt Nam.
“Người Việt rất giỏi khởi nghiệp. Tôi nghĩ thế hệ thương nhân kế tiếp sẽ chớp lấy cơ hội để mở rộng doanh nghiệp nhỏ của mình hòng kiến tạo sự bền vững, trả lương cao hơn và nhiều cơ hội cho nhân viên hơn”, Giáo sư Eddie nhận xét.