Thứ Tư | 02/04/2014 23:03

Việt Nam đang tiến gần đến các hiệp định thương mại tự do với châu Âu và Mỹ

Ông Trương Đình Tuyển hy vọng hai hiệp định EVFTA với châu Âu và TPP có thể được ký kết cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Cố vấn cao cấp cho Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế, ông Trương Đình Tuyển, cho biết các vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được những tiến bộ đáng kể dù vẫn còn nhiều gai góc, và hy vọng hai hiệp định này có thể được ký kết cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Phát biểu trước đại diện gồm chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc 32 doanh nghiệp nhà nước tại Hà Nội sáng ngày 2-4, ông Tuyển liệt kê một số thách thức lớn còn tồn tại trong đàm phán.

Ông cho biết, vấn đề lao động công đoàn, tức là nhóm công nhân có quyền lập công đoàn trong TPP là vấn đề đau đầu với phía Việt Nam.

Ông Tuyển kể, trong các cuộc gặp với các đối tác đàm phán TPP ông đã bày tỏ quan điểm: "Việt Nam chỉ có một Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Nay đặt ra yêu cầu này [thành lập công đoàn] chúng tôi không thể chấp nhận được.”

Tuy nhiên, cựu bộ trưởng Thương mại khẳng định, Việt Nam phải mở rộng quyền của công đoàn cơ sở như là một sự thỏa hiệp.

Ông cho biết, trong đàm phán TPP với Hoa Kỳ, hai bên đã giải quyết được 7 trong tổng số 10 điểm khác biệt còn tồn tại.

Trong đàm phán FTA với EU, ông cho biết điều khoản mua sắm chính phủ cũng còn nhiều khó khăn.

“Phía "đối tác" yêu cầu Chính phủ loại bỏ bất kỳ ưu đãi nào về mặt luật pháp cũng như trên thực tiễn giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước nay đang được lợi thế tiếp cận đất đai, được cấp tín dụng chỉ định từ các ngân hàng thương mại nhà nước. Ký FTA với EU, Chính phủ sẽ không được chỉ định tín dụng nữa. Vi phạm là bị phạt ngay,” ông nói.

Việt Nam hi vọng sẽ kết thúc TPP cuối năm nay, và FTA với EU đầu năm sau.

Nhận định về các cơ hội mà hai hiệp định này đem lại, ông Tuyển nói: "Các nước tham gia TPP và khối EU chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tức là hơn 50 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Hơn nữa, các nước này cũng là các nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam hiện nay."

"Các hiệp định này một khi được ký kết sẽ tạo ra thị trường xuất khẩu cực kỳ rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam với mức thuế về 0% ngay lập tức," ông nói.

Ông Tuyển, người góp công rất lớn trong việc Việt Nam tham gia WTO cách đây sáu năm, được Thủ tướng bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao cho các cuộc đàm phán thương mại của Việt Nam.

Với TPP khi được ký kết, 90% các dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức, và 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong thời gian không quá 10 năm.

Thuế xuất nhập khẩu được dỡ bỏ sẽ tạo ra một dòng di chuyển hàng hóa vô cùng mạnh mẽ trong khối các nước TPP. Tuy nhiên, ông Tuyển cảnh báo rằng quy tắc xuất xứ chặt chẽ sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài để sản xuất hàng hóa.

Ví dụ như dệt may, quần áo xuất khẩu sang các nước TPP phải được sản xuất từ sợi của các nước TPP. Theo ông Tuyển đây là điều khó khăn vì ngành sản xuất sợi trong nước còn yếu, và Việt Nam phải nhập nhiều vải, sợi từ Trung Quốc.

Nguồn Thời báo Kinh tế Sài gòn


Sự kiện