Việt Nam đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân
Chủ trương phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đã được chính thức hóa tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2009. Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là Trưởng ban. Theo lộ trình dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và vận hành thương mại vào năm 2020. |
Theo IAEA, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn với tổng thời gian từ 10 đến 15 năm, tính từ lúc Chính phủ bắt đầu lựa chọn năng lượng hạt nhân đến khi đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào vận hành thương mại. Theo tiêu chí của IAEA, Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn 2 của quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.
Trong nhiều năm qua, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, cán bộ, quản lý và xử lý chất thải, các quy trình thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng điều ước quốc tế, v.v... Đại diện IAEA, ông Alexander Bychkov, Phó Tổng Giám đốc IAEA, khẳng định, IAEA sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam.
Ông Alexander Bychkov cho rằng, các vấn đề chính của Việt Nam hiện nay là: ban hành luật sửa đổi; hoàn thiện hệ thống pháp quy; quy hoạch nhân lực quốc gia và phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo văn hóa an toàn bền vững; có sự tham gia của các bên liên quan cũng như sự chấp nhận của công chúng; quản lý dự án.
Theo đó, ông cho rằng, khuôn khổ pháp lý có vai trò then chốt. Đến cuối giai đoạn chuẩn bị, Việt Nam phải hoàn thiện: khuôn khổ pháp lý đã sẵn sàng; quá trình cấp phép cho xây dựng; năng lực cấp pháp của cơ quan pháp quy; năng lực của cơ quan vận hành trong việc xin cấp phép, đàm phán hợp đồng, quản lý dự án.
Tại hội thảo, ông Đoàn Thế Vinh, Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số hạn chế trong hiện trạng cơ sở hạ tầng hạt nhân tại Việt Nam như còn thiếu hụt đội ngũ chuyên gia kỹ thuật - tài chính có trình độ cao, thiếu hụt các cơ sở đào tạo đạt yêu cầu cho đào tạo điện hạt nhân.
Nguồn Bộ Công thương