Phú Quốc cần 40 tỉ USD để trở thành đặc khu kinh tế sầm uất.
Việt Nam đang “đánh cược” làm đặc khu kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, tại Hội thảo “Đặc khu - thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công”, hôm 18.5, nói rằng, Việt Nam đã "chủ động" xây dựng "một sân chơi mới, luật chơi mới" với những thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh.
Việt Nam có kế hoạch xây dựng 3 đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Bây giờ, các tập đoàn đang đua tranh tìm cơ hội khai thác những địa phương này, họ tin rằng đặc khu kinh tế có thể thu hút đầu trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.
Điều đó giải thích lý do của sự gia tăng các nguồn lực dự kiến dẫn đến bùng nổ đầu tư vào các đặc khu kinh tế gần đây, trong khi Dự án “Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” sẽ được Quốc hội xem xét vào tuần tới.
Gần 10.000 đặc khu, chỉ một vài thành công
Đặc khu kinh tế có thể là một chương trình hiệu quả về phát triển kinh tế, nhưng chỉ có thể thành công với những chính phủ có một tầm nhìn rõ ràng, sự thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ.
Ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế (Singapore, Đông Nam Á, Bắc Á) thuộc Tập đoàn Surbana Jurong của Singapore, nói: “chỉ vài khu thành công trong việc tạo ra các hoạt động kinh tế đáng kể”, dù thế giới có hàng ngàn đặc khu kinh tế.
Theo ông, “rất nhiều” đặc khu kinh tế thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.
“Tôi nghĩ rằng có 5 yếu tố thành công chủ yếu cho đặc khu kinh tế và các khu công nghiệp, đó là: Mục tiêu rõ ràng, đổi mới chính sách táo bạo, địa điểm thuận lợi, thiết kế mang tính đặc thù và quản lý hiệu quả”, Giám đốc Quốc tế của Surbana Jurong nói.
Trung Quốc sau hơn 30 năm phát triển đã có 571 đặc khu kinh tế, được phân thành 3 hệ thống và 12 loại khác nhau. Nếu tính thêm cả đặc khu kinh tế cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, Trung Quốc có gần 10.000 đặc khu kinh tế, số liệu từ Trung tâm phát triển kế hoạch khu vực, Viện Phát triển Trung Quốc.
Một trong những đặc khu kinh tế thành công nhất là Thẩm Quyến, được Trung Quốc hình thành vào năm 1980 khi bắt đầu mở cửa kinh tế. Đó là thời điểm Trung Quốc đang giai đoạn chuyển ý thức hệ từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, nên Thẩm Quyến được thực hiện như một thử nghiệm của nước này để kiểm tra kết quả của việc cải cách kinh tế.
Các mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng cùng với các chính sách, đặc biệt là chính sách kinh doanh thông thoáng đi kèm với ưu đãi thuế, tạo điều kiện thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Một thành công khác, thành lập Khu Công nghiệp Tô Châu Trung Quốc-Singapore (CSSIP) vào năm 1994, Trung Quốc đã học hỏi và triển khai một số chính sách phát triển công nghiệp của Singapore.
Đặc biệt, CSSIP được thành lập để phát triển lĩnh vực chế tạo định hướng xuất khẩu nhắm đến các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài ở Tô Châu. Do đó, một chính quyền chuyên biệt đã được lập ra để quản lý khu công nghiệp và hàng loạt các chính sách về đầu tư từ nước ngoài đã được tự do hóa dựa trên kinh nghiệm của Singapore.
Tiến sĩ Liu Rongxin, Giám đốc Trung tâm phát triển kế hoạch khu vực, Viện Phát triển Trung Quốc, cho biết: “Điểm cốt lõi trong cơ chế quản lý đặc khu kinh tế của Trung Quốc là sự kết hợp hữu cơ của Chính phủ và thị trường”.
Quản lý các đặc khu kinh tế, Trung Quốc đã phải vừa kết hợp những kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, vừa vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế nội tại của đất nước, từ đó xây dựng cơ chế quản lý mang đặc sắc của nước mình.
Theo Tiến sĩ Liu Rongxin, người có hơn 30 năm nghiên cứu về đặc khu kinh tế, quản lý đặc khu kinh tế là sự kết hợp giữa quản lý kinh tế và quản lý xã hội, liên quan đến các lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án, đầu tư, thuế, ngoại hối, lao động, môi trường và hàng loạt những chính sách ưu đãi. “Đây là hệ thống rất phức tạp, trong đó quan trọng nhất là nắm bắt được mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường”, bà Liu Rongxin nhận định.
Dám chơi, biết chơi, dám chịu trách nhiệm
Dự án “Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” sẽ được Quốc hội xem xét vào tuần tới, sau khi khai mạc Kỳ họp vào ngày 21.5. Do tính chất phức tạp của cơ chế quản lý đặc khu kinh tế, vị chuyên gia về đặc khu đến từ Trung Quốc khuyến cáo: “Vấn đề lập pháp ở cấp quốc gia không nên quá chi tiết, mà có thể có thêm các quy định hỗ trợ chi tiết khi thực hiện, để điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu phát sinh trong quá trình vận hành”.
Việt Nam làm làm đặc khu trong bối cảnh vẫn có những rủi ro cho phát triển đặc khu kinh tế. Nó gắn liền với việc phân mảnh trong môi trường pháp quy, lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi, và quản trị các đặc khu kinh tế, dù các khu công nghiệp được thiết kế và triển khai tốt đem lại lợi ích rõ ràng.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ với NCĐT về sự “không chắc chắn” thành công trong phát triển đặc khu kinh tế.
Từ kinh nghiệm phát triển đặc khu kinh tế trên thế giới, ông Thành cho rằng, có đặc khu phát triển được, tạo được đột phá, nhưng cũng có đặc khu chỉ thành công chút ít, thậm chí có đặc khu thất bại.
Ông Thành, người được biết đến là chuyên gia phân tích kinh tế và tư vấn về các vấn đề liên quan đến thương mại tự do, hội nhập kinh tế khu vực, phát triển tài chính và chính sách vĩ mô, nói: “Làm đặc khu là một sự “đánh cược”. Với Việt Nam, “cược” thế nào để đạt được mục tiêu của một đặc khu kinh tế, đấy là sự lan tỏa về thể chế, về kinh tế là vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, việc phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của từng đặc khu. Thế nhưng, dù là mục tiêu nào, động lực phát triển của nó phải là các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh. Đằng sau đó là dịch chuyển các nguồn lực: đầu tư, công ăn việc làm và thu nhập và nhiều lợi ích khác.
“Ở đây, có vấn đề dám chơi, biết chơi và dám chịu trách nhiệm”, ông Thành nói. Bởi vì, khi lao động sẽ dịch chuyển nên đòi hỏi phải có kỹ năng và chuyển đổi do quy hoạch nên phải có chính sách hỗ trợ. “Nếu đặc khu không đáp ứng được hai điều kiện này, khoảng cách xã hội sẽ lớn hơn và hai nền kinh tế trong một khu vực sẽ hình thành, TS Võ Trí Thành cảnh báo.
3 đặc khu cần tới 1,57 triệu tỉ đồng *Đề án về đặc khu Vân Đồn cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỉ đồng giai đoạn 2018 - 2030. Phần vốn trong nước cho phát triển đặc khu này chiếm 50%, vốn nước ngoài chiếm 50%. *Tổng mức đầu tư toàn xã hội để phát triển 4 vùng động lực đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019 - 2025 theo tính toán của tỉnh Khánh Hòa lên tới 400.000 tỉ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến 2025, sẽ cần nguồn vốn ngân sách lên tới 45.000 tỉ đồng. *Đặc biệt, để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế sầm uất, ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới hơn 40 tỉ USD, tương đương khoảng 900.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, nước ngoài khoảng 41%. |