Việt Nam có tỷ lệ cài đặt phần mềm "lậu" thuộc hàng cao nhất khu vực
Đó là thông tin được ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thông tin tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)”.
Theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Phần mềm (BSA), ông Gary Gan cho biết tỷ lệ cài đặt phần mềm không bản quyền của Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lên tới 78%. Trong khi đó, nước đạt kết quả tốt nhất trong khu vực này là New Zealand với tỷ lệ 18% và nước đứng đầu thế giới là Mỹ với 17%.
Cũng nằm trong nội dung buổi tọa đàm, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết kết quả thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017, đã thực hiện quyết định thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính là 1,6 tỉ đồng.
Riêng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 đoanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng. Trong đó, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 2,4 tỷ đồng.
Việt Nam có tỉ lệ vi phạm bản quyền thuộc hàng cao nhất khu vực |
Con số này cho thấy tình trạng vi phạm SHTT trong lĩnh vực phần mềm đang gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đây chỉ là số ít vụ việc vi phạm quyền SHTT được phát hiện so với thực tế.
Theo ông Gary Gan, việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp và không có bản quyền có thể dẫn theo nhiều nguy cơ, không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn có dấu hiệu của nguy cơ bị tấn công mã độc. Với các phần mềm “lậu” sẽ không cho phép các doanh nghiệp, tổ chức nhận được các bản cập nhật an ninh, bản vá, nâng cấp… từ các hãng phần mềm.
Vi phạm sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý hình sự
Việt Nam đang ngày càng tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gần đây nhất là việc hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tháng 3/2018. Tham gia vào sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp trong nước sẽ có được nhiều cơ hội kinh doanh khi được tiếp cận với thị trường rộng lớn nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như áp lực cạnh tranh và tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.
Đối với pháp luật trong nước, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 đã có những quy định cứng rắn để răn đe những hành vi vi phạm SHTT. Bà Lê Thị Vân Anh, Trưởng phòng Pháp luật hình sự thuộc Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Điều 225 và 226 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 quy định, các pháp nhân thương mại xâm phạm quyền SHTT có thể bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực/cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm. Thậm chí tùy theo mức độ vi phạm, không chỉ giới hạn ở cá nhân, các pháp nhân thương mại cũng có thể bị khởi tố hình sự.
Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch khuyến cáo các doanh nghiệp nên có hành động kịp thời để tránh nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)” do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA| Liên minh Phần mềm tổ chức, thảo luận về những chủ đề mang tính thời sự đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đã có hiệu lực từ đầu năm nay.