Nguồn ảnh: Bộ Công Thương
Việt Nam có trở thành trung tâm sản xuất khẩu trang của thế giới?
Hiện nay, nhiều quốc gia đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang. Tại Nhật, chính phủ ưu tiên hàng đầu là việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nguồn cung khẩu trang. Chính phủ Nhật dự định phân phát hai khẩu trang vải cho các hộ gia đình vào tuần tới. Quốc gia này cũng đang đặt mục tiêu sản xuất 700 triệu khẩu trang dùng một lần.
Còn tại Mỹ, ngày 8.4, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã ra thông cáo chung cho biết sẽ thu giữ toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu là các thiết bị bảo hộ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở nước này.
Các doanh nghiệp đều khẳng định ý thức cộng đồng trong việc sản xuất mặt hàng khẩu trang phục vụ nhân dân. |
Đó là những thống kê cho thấy nhu cầu khẩu trang đang rất khan hiếm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng có thể coi là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang Việt Nam có thể mở rộng thị trường. Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với năng lực của 50 doanh nghiệp báo cáo với Bộ Công Thương có thể sản xuất 8 triệu chiếc khẩu trang/ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những động thái kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu khẩu trang trên thị trường. Theo chia sẻ từ ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex, năng lực sản xuất của Vinatex lên tới 100 triệu chiếc khẩu trang/tháng, có khả năng cung ứng các đơn hàng lớn của các tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Sản phẩm được bán lẻ tại 3 cửa hàng thuộc Tập đoàn với số lượng 100.000 chiếc/ngày.
Còn nhận định từ ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép" về nguồn cung và cầu. Trước tình hình như vậy, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân.
Theo ông Hải, Việt Nam có đủ năng lực để có thể trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố như: trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.
Ngoài ra, ông Hải cũng nói thêm, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.
Thêm nữa, việc có được chứng chỉ OeKO-Tex®, chứng nhận xuất xứ nguyên liệu vải để xuất khẩu khẩu trang vào Mỹ và châu Âu cũng không dễ dàng. Quy trình thẩm định, đánh giá chứng chỉ này không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai, trong bối cảnh chính phủ các nước siết chặt lệnh hạn chế di chuyển nhằm phòng chống dịch. Do đó, dù thời cơ đến nhưng với chuỗi cung ứng không đồng bộ và doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị, tận dụng được là không dễ.
Ngay khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các doanh nghiệp dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải. Bộ đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước.
Trước tình hình năng lực sản xuất khẩu trang vải được mở rộng trong khi thị trường trong nước đang dần bão hòa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, doanh nghiệp ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải. Các thông tin này Bộ Công Thương đã đưa lên Cổng thông tin của Bộ tại địa chỉ www.moit.gov.vn để doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có thể đăng ký tham gia kết nối với các Thương vụ và nhận thông tin về người nhập khẩu nước ngoài.
Nguồn Tổng hợp/baochinhphu