Thứ Năm | 06/09/2012 13:05

Việt Nam có thể vay vốn IMF để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Chính phủ có thể đi vay IMF hoặc phát hành trái phiếu để lập quỹ tái cấu trúc ngân hàng, giải quyết nợ xấu, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế.
Báo cáo kinh tế vĩ mô được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành ngày 4/9 đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho thị trường tài chính, trong đó có điểm đáng quan tâm là ở chính sách nhằm thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo này, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ bao gồm các hoạt động như giải thể một số ngân hàng yếu kém, tiến hành sáp nhập một số ngân hàng yếu hơn vào ngân hàng khoẻ mạnh và củng cố lại hoạt động của các ngân hàng còn lại trong hệ thống để đảm bảo rằng sau khi tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng sẽ hoạt động an toàn hơn và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để quá trình tái cấu trúc thành công, nhóm tác giả báo cáo đã khuyến nghị hai vấn đề mà Chính phủ cần làm.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các văn bản pháp lý rõ ràng về các hoạt động mua bán nợ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một yêu cầu rất quan trọng để đẩy nhanh việc giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn trong thời gian tới.

Thứ hai, Chính phủ cần hình thành một quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng quản lý.

Theo khuyến nghị tại báo cáo, quỹ có thể được hình thành từ các nguồn vốn vay Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hoặc các quỹ quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

Bên cạnh đó, với mục tiêu không làm tăng cung tiền cũng như làm tăng bội chi ngân sách, quỹ này chỉ nên sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu Chính phủ hoặc phát hành trái phiếu đặc biệt với thời hạn 3 đến 5 năm để huy động tiền dư thừa từ các ngân hàng thương mại chứ không phải là phát hành trái phiếu để Ngân hàng Nhà nước mua lại.

Việc trả nợ loại trái phiếu này nên từ việc cắt giảm các khoản chi của ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi  thường xuyên. Dẫn các số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính cho hay, chi thường xuyên hiện nay đã tăng từ mức khoảng 16-17% GDP trong giai đoạn 2000-2005, lên gần 20-21% GDP trong những năm gần đây.

"Nếu có thể giảm dần tỷ lệ này xuống về quanh mức cũ như đã thực hiện được trong giai đoạn từ 2000-2005, ngân sách Nhà nước sẽ dôi ra được khoảng 3% GDP, tức khoảng 70 nghìn tỷ đồng", báo cáo ghi rõ.

Cũng theo báo cáo, nhóm tác giả nhận định, thách thức lớn nhất trong năm 2012 là giải quyết được vấn đề nợ xấu, nợ quá hạn để ổn định thanh khoản toàn hệ thống, đây cũng là bước đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề ra.

"Để thực hiện việc làm sạch các khoản nợ xấu và nợ quá hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng, rõ ràng Việt Nam cần phải có một dòng vốn ‘sạch’ tương đối lớn từ bên ngoài bơm vào, ước tính lên đến 250-300 nghìn tỷ đồng (tương ứng với tỉ lệ nợ xấu, nợ quá hạn khoảng 10-12% tổng dư nợ)", nhóm tác giả báo cáo tính toán.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng gửi lên Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của toàn hệ thống đến hết ngày 31/5/2012 là hơn 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng, tăng từ mức 3,07% cuối năm 2011.

Còn theo báo cáo của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến hết 31/3/2012 là hơn 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 6/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho hay, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống lên tới 10%.

Nguồn Khampha


Sự kiện